Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội
6 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Thị Nga chủ trì thảo luận.
Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy cơ bản đồng tình với những đánh giá về kết quả đạt được của trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của cac cơ quan của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và những tháng đầu năm 2025.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn về một số vấn đề phức tạp chưa được ngăn chặn có hiệu quả: Tình trạng sữa giả, thuốc giả, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, lừa đảo qua mạng, an ninh mạng còn nhiều phức tạp…
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc tiền kiểm, hậu kiểm. Rà soát tổng thể các việc, các mặt hàng còn chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước, chức năng cấp phép để chỉnh sửa chính sách theo hướng tinh gọn đầu mối. Một sản phẩm, một việc chỉ giao một đầu mối quản lý, cấp phép và thành lập cơ quan phản ứng nhanh để phát hiện, đôn đốc, giám sát.
Cần có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài trong lĩnh vực công nghệ số, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền để Nhân dân cảnh giác với lừa đảo qua mạng xã hội.
Về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, mặc dù Trung ương đã ban hành quyết sách tạo sự chuyển biến mang tính đột phá. Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách khá xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của người dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Triển khai sâu rộng phong trào "học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, công chức và người dân. Có cơ chế đặc thù về hợp tác công tư trong đào tạo nhân lực công nghệ số, hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến các thôn, bản, tổ dân phố.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Đại biểu đề xuất cần tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều của giai đoạn 2022-2025, bao trùm, bền vững.
Nghiên cứu điều chỉnh các chỉ tiêu đa chiều phù hợp với giai đoạn phát triển mới sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy ở trong nước để hạn chế việc tái nghèo, và tiến tới hỗ trợ có điều kiện. Ngoài ra, bổ sung giải pháp để tách bạch mục tiêu an sinh xã hội ra khỏi chính sách hỗ trợ phát triển vì giai đoạn này xuất hiện những gia đình nghèo chỉ có người già, rất khó khăn không thể thoát nghèo, hoặc là dễ tái nghèo do thiếu lao động.
Cần triển khai rà soát các huyện nghèo, xã nghèo sau khi sáp nhập và xắp xếp tổ chức bộ máy hành chính để có biện pháp hỗ trợ, đồng bộ trong thời gian tới, tiến tới xóa nghèo trên cả nước. Đối với lĩnh vực chăm sóc người có công, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các cơ sở chăm sóc người có công với cách mạng. Đối với công tác an sinh xã hội, đại biểu kiến nghị cần quan tâm xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chính sách xã hội.
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp đẩy mạnh, tăng cường chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải ngân đầu tư công, đặc biệt cần có giải pháp để không bị chậm tiến độ, đình trệ trong giai đoạn sắp xếp, tổ chức bộ máy. Đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án phân bổ các khoản dự toán ngân sách trung ương năm 2025 chưa phân bổ để tránh gây áp lực giải ngân vào cuối năm.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc sắp xếp tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn các địa phương sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp huyện đang quản lý hiện nay để đảm bảo thực hiện thống nhất mô hình chung của cả nước, nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn.
Ngọc Hưng
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/doan-dbqh-tinh-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-212385.html