Đây là ý kiến được ông Ngô Tuấn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Amadive, nêu tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền TP HCM, tổ chức vào chiều 18-7.
Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Sở Du lịch TP HCM tổ chức nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn.
Fanpage giả mạo có cả tích xanh
Theo ông Ngô Tuấn Tú, là doanh nghiệp hoạt động ở Côn Đảo, ông nhận thấy có tình trạng đầu cơ vé máy bay và phòng khách sạn tại điểm đến này. Hệ quả là du khách phải mua với giá rất cao hoặc tới ngày lễ thì khách tới không đông như kỳ vọng.
"Điểm đến Côn Đảo đang thiếu sự đa dạng về sản phẩm du lịch. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào du lịch tâm linh, trong khi các hoạt động vui chơi, giải trí khác đang thiếu, nhất là sản phẩm về đêm, kinh tế đêm. Ngay tình trạng mạo danh fanpage của các khách sạn, resort cũng nhiều, nhất là fanpage giả mạo nhưng có cả tích xanh" - ông Tú băn khoăn.
Ông Ngô Tuấn Tú phát biểu tại hội nghị đối thoại
Đau đầu với nạn mạo danh các công ty du lịch, khách sạn, resort cũng được một số doanh nghiệp khác đề cập. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn để xử lý tình trạng mạo danh các công ty du lịch để lừa đảo. Bởi có rất nhiều đối tượng lừa đảo gọi cho khách mời đi dự sự kiện, hội thảo, tặng voucher nghỉ dưỡng… mạo danh công ty du lịch nhưng các chế tài xử lý còn nhẹ.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, đại diện Sở Du lịch TP HCM, cho biết công suất phòng khách sạn, resort tại Côn Đảo thời gian qua chỉ khoảng 35-40%. Do đó, tình trạng đầu cơ phòng khách sạn, giá vé máy bay có thể xảy ra trên các nền tảng trực tuyến.
"Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ triển khai giải pháp cùng các đơn vị, tăng cường quản lý, yêu cầu minh bạch thông tin bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyên trang quản lý du lịch; thống kê lượng phòng thực tế, công suất và công khai giá từng phân khúc, quản lý kê khai giá cho các đơn vị.
Song song đó tuyên truyền cho các cơ sở lưu trú về việc niêm yết giá phòng, cũng như kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Rất đông các doanh nghiệp tham gia hội nghị chiều nay, 18-7
Giải pháp phát triển du lịch Côn Đảo, Cần Giờ
Tại hội nghị, có khoảng 40 lượt ý kiến của đại diện doanh nghiệp trong ngành du lịch được nêu ra. Nhiều ý kiến tập trung vào đề xuất giảm thuế, hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch như famtrip, presstrip; điều chỉnh quy hoạch đất phục vụ các dự án du lịch ven biển; xây dựng các trạm dừng chân trên tuyến cao tốc nhằm tăng cường kết nối và sức hút điểm đến…
Các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ thông tin, hướng dẫn thủ tục pháp lý liên quan đến cập nhật giấy phép, báo cáo chuyên ngành, xếp hạng cơ sở lưu trú và thủ tục hành chính sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM; phát triển du lịch tại các vùng tiềm năng như Côn Đảo, Cần Giờ; đề xuất nới lỏng quy định về hạ tầng bến thủy nội địa, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, khẳng định với TP HCM, du lịch không đơn thuần là ngành kinh tế dịch vụ, mà còn là công cụ quan trọng để định vị thương hiệu, quảng bá bản sắc, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong tình hình mới, phát triển du lịch không thể đơn lẻ, mà cần một chiến lược hợp lực - đồng hành giữa chính quyền và doanh nghiệp.
"Sở Du lịch cam kết tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong quản lý nhà nước như thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian và nguồn lực cho doanh nghiệp; triển khai chuyển đổi số toàn diện trong xúc tiến, thống kê, quản lý điểm đến; định hướng phát triển sản phẩm gắn với lợi thế vùng…" – bà Ngọc Hiếu nói.
Khách du lịch tham quan Nhà tù Côn Đảo
Thái Phương, Ảnh: Lam Giang