Doanh nghiệp lao đao: 'khó khăn cũ chưa qua khó khăn mới lại tới'

Doanh nghiệp lao đao: 'khó khăn cũ chưa qua khó khăn mới lại tới'
7 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (Huba), cho biết bước vào thời điểm cuối năm 2024 tình hình có dấu hiệu tích cực hơn khi DN ở một số lĩnh vực quan trọng (như chế biến gỗ, dệt may, sản phẩm nông nghiệp) tìm kiếm được đơn hàng.
Tăng giá thuê đất làm tăng thêm gánh nặng
Tuy nhiên, như lưu ý của ông Tuệ, trong hai tháng cuối năm 2024 này nhu cầu vay vốn của DN để phục vụ sản xuất và xuất khẩu (XK) sẽ tăng lên. Thế nhưng, khi các DN kiếm được đơn hàng thì giá cả cũng không tăng, thậm chí giá còn thấp hơn nữa. Điều này chứng tỏ lợi nhuận của họ sẽ giảm đi, nhưng vẫn phải làm nhằm duy trì bộ máy và khâu sản xuất.
Việc áp dụng bảng giá đất mới dẫn tới tăng giá thuê đất đột ngột vào thời điểm này được ví như “khó khăn mới”, làm tăng thêm gánh nặng cho các DN trong sản xuất kinh doanh.
“Chính vì vậy các DN vẫn còn rất khó khăn. Chưa kể, hiện nay họ gặp phải vấn đề mới phát sinh là tăng giá đất và tăng giá thuê đất. Việc tăng giá đất sẽ có lợi cho DN nếu như có tài sản để thế chấp nhằm vay với hạn mức cao hơn. Nhưng, những DN đang phải thuê đất lại chịu ảnh hưởng giá rất lớn. Bây giờ, việc kiếm được đơn hàng để làm đã không đạt lợi nhuận cao, nay gặp thêm tình trạng giá thuê đất tăng lên một cách đột ngột”, ông Tuệ than phiền.
Do đó, vị giám đốc này kiến nghị nên giãn thời gian áp dụng bảng giá đất mới dẫn đến tăng giá thuê đất cho kế hoạch năm sau để các DN chủ động trong việc ký hợp đồng mới. Còn thực tế, với những hợp đồng đã ký rồi, bỗng nhiên bây giờ giá thuê đất đội lên bất ngờ khiến cho DN rơi vào khó khăn. Từ đó có thể dẫn đến tình cảnh họ sẽ không muốn vay vốn nữa, tức là giảm nhu cầu vay vốn để thực hiện các đơn hàng XK.
Nên nhắc thêm, trong tháng 11 này, Sở Tài chính Tp.HCM đang lấy ý kiến dự thảo về quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất nhằm làm căn cứ để tính tiền thuê đất trên địa bàn Tp.HCM. Đáng chú ý, khi thực hiện tính tỷ lệ giữa đơn giá thuê đất theo quy định cũ và đơn giá thuê đất được tính toán theo quy định mới thì tỷ lệ tăng giá thuê trung bình khá đồng đều là 35% đến 50%.
Giới chuyên gia cho rằng khi áp dụng bảng giá đất mới ở Tp.HCM dẫn tới tiền thuê đất tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN trong sản xuất kinh doanh vì làm tăng giá thành, rồi tăng giá hàng hóa bán ra, đánh mất lợi thế cạnh tranh, giảm lợi nhuận. Hơn nữa, một khi áp dụng bảng giá đất mới sẽ khiến DN đối mặt áp lực tài chính gia tăng vì liên quan đến thuế sử dụng đất bổ sung, nhất là tại Tp.HCM.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, giám đốc một DN trong ngành thực phẩm ở quận Bình Tân (Tp.HCM), cho rằng với mức giá thuê đất tăng lên 50% sẽ khiến cho các DN khó cân đối giá thành sản phẩm. Và nếu như DN tăng giá bán ra sẽ càng làm người tiêu dùng thêm cân nhắc giữa việc mua hàng Việt giá cao hay mua hàng nhập giá rẻ.
Ngoài vấn đề mới phát sinh về việc tăng giá thuê đất được ví như “khó khăn mới”, điều mong mỏi trước “khó khăn cũ” của nhiều DN là cần được sớm tháo gỡ, điều chỉnh thích hợp các vướng mắc về thuế hay thủ tục thẩm định tài sản vay vốn ngân hàng để tránh gánh chịu nhiều thiệt thòi và đối mặt rủi ro pháp lý.
Như trong công văn cách đây vài ngày của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) gửi Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, đã chỉ rõ một loạt khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của DN thủy sản và đề xuất giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Vừa thiệt thòi vừa đối mặt rủi ro pháp lý
Đơn cử là các vướng mắc về thuế của DN thủy sản liên quan đến thủ tục kê khai thu mua nguyên liệu thủy sản (thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính), phía Vasep đề xuất tháo gỡ cho các DN thủy sản tại các tỉnh (như Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị,...) trong việc cục thuế địa phương thực hiện thanh, kiểm tra đồng thời các giấy tờ (giấy phép khai thác…) của tàu cá trong giai đoạn nhiều năm trước đây để quyết định chi phí nguyên liệu của DN.
Bởi lẽ, việc thanh, kiểm tra thuế như vậy (với những cơ sở pháp lý còn gây tranh cãi) dẫn tới vấn đề là các DN chế biến thủy sản bị truy thu thuế Thu nhập DN 20% trên toàn bộ chi phí nguyên liệu đầu vào mua từ các tàu cá này và bị phạt chậm nộp (tính từ năm 2016-2017 đến nay) cũng tương đương 20% nữa.
Nghĩa là DN chế biến phải đóng thêm khoản thuế Thu nhập DN và phạt chậm nộp khoảng bằng 40% chi phí nguyên liệu. Điều này có nguy cơ dẫn đến các DN chế biến thủy sản rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Hay như chính sách thuế Thu nhập DN đối với hoạt động chế biến thủy sản, Vasep đề xuất Bộ Tài chính xem xét, đưa nội dung xác nhận sản phẩm thủy sản là sản phẩm của “hoạt động chế biến” để hưởng ưu đãi thuế Thu nhập DN cho hoạt động chế biến vào văn bản dự thảo Luật thuế Thu nhập DN (sửa đổi) hoặc một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để các cơ quan thuế thực hiện thống nhất.
Trên thực tế, các DN thủy sản đã có nhiều năm gặp vướng mắc liên quan việc áp mức thuế Thu nhập DN cao tới 20% tại cục thuế nhiều địa phương do cục thuế xác định sản phẩm thủy sản là từ “hoạt động sơ chế”.
Hoặc như rủi ro trong thủ tục thẩm định tài sản DN khi vay vốn. Một chủ DN ở Tp.HCM phản ánh trong quy trình ngân hàng cho DN vay vốn sẽ có hai vấn đề, một là thẩm định giá trị tài sản DN, hai là thẩm định hiện trạng tài sản DN. Điều băn khoăn là trong quy trình của từng ngân hàng liệu có kẽ hở nào đó dẫn đến việc định giá tài sản rất cao so với thực tế (nhiều khi DN không kiểm soát được việc này khi thẩm quyền thuộc về ngân hàng).
Theo đó, khi thẩm định hiện trạng tài sản của DN thì hồ sơ vay vốn của mỗi ngân hàng sẽ có cách làm khác nhau. Điều này dẫn tới một số mắt xích không làm chặt chẽ, cho đến khi bị cơ quan pháp luật “sờ” tới hồ sơ là DN bị liên lụy, trong khi vấn đề làm hồ sơ thuộc về phía ngân hàng, còn DN chỉ cung cấp các tài liệu.
Do vậy, theo đề xuất của vị chủ DN nêu trên, rất cần thêm quy định để vừa không làm khó khăn cho DN trong thủ tục vay vốn nhưng vẫn kiểm soát được chuyện thẩm định giá trị tài sản DN một cách tương đối nhằm đảm bảo không cho vay vượt quá giá trị tài sản đảm bảo. Riêng thủ tục thẩm định tài sản DN, thực tế những năm qua đã xảy ra nhiều vụ án kinh tế liên quan vấn đề này nhưng vẫn chưa khắc phục được, nên rất cần Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh về mặt thủ tục để giải quyết vấn đề này.
Thế Vinh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-lao-dao-kho-khan-cu-chua-qua-kho-khan-moi-lai-toi-1103497.html