Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: T.D
Những tín hiệu khởi sắc
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến “Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2025 – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức ngày 18/7, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tư nhân (Bộ Tài chính) Trịnh Thị Hương cho biết, tháng 6/2025, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 24.422 doanh nghiệp.
Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, gấp 3,7 lần so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015; gấp 2,3 lần giai đoạn 2016 - 2020; và gấp 2 lần so với giai đoạn 2021 – 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91.186 doanh nghiệp thành lập mới, phản ánh làn sóng khởi nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ.
Cùng với đó, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6 đạt 14.390 doanh nghiệp, tăng 91,05% so với cùng kỳ 2024; gấp 5 lần trung bình giai đoạn 2016 - 2020 và gấp 3 lần giai đoạn 2021 - 2024. Tính lũy kế 6 tháng, đã có 61.521 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,22% so với cùng kỳ.
Lần đầu tiên, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng cao hơn 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển đang được củng cố.
Số hộ kinh doanh mới cũng tăng hơn 118% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tác động từ các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nửa đầu năm 2025 chứng kiến sự hồi phục khá tích cực về nhập khẩu, cho thấy các doanh nghiệp đã nối lại nguồn cung hàng hóa và bắt đầu phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, kể từ tháng 6, một số chỉ số sụt giảm cho thấy xuất khẩu nhiều khả năng sẽ chững lại trong nửa cuối năm.
Về đầu tư công, con số chi ngân sách nhà nước tăng 59% (so với mức tăng thu ngân sách 28%) là tín hiệu cho thấy hoạt động giải ngân đã có chuyển biến mạnh mẽ. Tuy vậy, tiến độ vẫn chưa đồng đều.
Một điểm sáng khác đến từ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 12 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp những lo ngại sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng lên đến 46% vào tháng 4/2025. Đây là bằng chứng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam vẫn vững vàng, dù bối cảnh thương mại quốc tế có phần căng thẳng.
Tâm lý bất định và sự thận trọng
Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Hương, mặt trái là quy mô doanh nghiệp vẫn rất nhỏ bé. Vốn đăng ký bình quân vẫn chỉ quanh mức 9 tỷ đồng hầu như không đổi trong nhiều năm. Trong khi đó, hơn 127.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2024. Điều đáng chú ý là hơn 63% số này chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh có thời hạn để chờ thời.
Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ dưới 10 tỷ đồng chiếm gần 90% trong nhóm rút lui, và phần lớn hoạt động trong các ngành dịch vụ, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy – những lĩnh vực chịu áp lực trực tiếp từ chi phí đầu vào, tiêu dùng yếu và cạnh tranh từ thương mại điện tử.
Ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, qua những đánh giá về nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cho dù các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng vẫn còn khoảng cách trong khả năng tiếp cận.
Các doanh nghiệp lớn tỏ ra “phấn khởi và mạnh mẽ hơn” khi mở rộng kinh doanh, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu áp lực chi phí từ thuế, cạnh tranh khốc liệt trên nền tảng số và chưa đủ lực để chuyển đổi số hoặc chuyển đổi xanh, trong khi tín dụng vẫn là rào cản lớn.
Một khảo sát mới đây của Ban IV, trên hơn 1.500 doanh nghiệp cho thấy mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh năm nay đã giảm so với năm ngoái.
Có tới 63,7% doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng trước tình hình hiện tại. Các lĩnh vực như xây dựng phục hồi nhờ bất động sản và đầu tư công khởi sắc nhưng nhiều ngành chủ lực như chế biến, chế tạo lại ghi nhận xu hướng thu hẹp sản xuất. Ngay cả ngành thủy sản từng là điểm sáng xuất khẩu cũng đang mất dần sự tự tin.
Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Secoin, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tâm lý thị trường đang trong trạng thái bất định. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không dám mở rộng quy mô mà co lại để tránh rủi ro: giảm sản xuất, thu hẹp đầu tư, cắt giảm lao động...
Với các hộ kinh doanh cũng đang đối diện khó khăn khi phải minh bạch về thuế, chuyển đổi số khiến chi phí tăng cao. Trong khi đó, tín dụng dù có dấu hiệu nới lỏng nhưng vẫn “nghẽn” ở khâu tiếp cận dòng vốn khiến nhiều doanh nghiệp thiếu nhiên liệu để chạy tiếp chặng đường còn lại.
Để vượt qua giai đoạn đầy thách thức này, các doanh nghiệp không thể chỉ chờ đợi chính sách hỗ trợ. Họ cần chủ động hơn trong việc xây dựng chiến lược thích ứng với rủi ro: tái cấu trúc hoạt động, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, và đặc biệt là lập kịch bản “đa tầng” để đối phó linh hoạt với các biến động như thay đổi thuế quan từ các thị trường xuất khẩu lớn.
Về phía Nhà nước, nhiều chuyên gia đồng thuận rằng cần tiếp tục tháo gỡ các nút thắt trong đầu tư công để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào hệ sinh thái này một cách thực chất. Bên cạnh đó, cần định hướng lại dòng vốn tín dụng tập trung cho doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thay vì dồn quá nhiều vào thị trường chứng khoán.
Thu Dịu