Thời gian gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay xanh, cho vay phát triển bền vững. Phát biểu tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do báo Dân trí tổ chức chiều nay (23/4), nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng xanh là một trong những điểm sáng trong triển khai ESG tại Việt Nam.
Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, hiện tín dụng xanh tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và vốn ngân hàng đã trở thành “đường băng” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận ESG. Bên cạnh đó, nguồn vốn quốc tế vào các dự án ESG tại Việt Nam cũng đã cao hơn so với trước. Riêng Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã cam kết tài trợ 210 triệu USD cho thị trường xanh của Việt Nam. Khung pháp lý với ESG cũng rõ ràng hơn so với trước. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định về cho vay xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dù vậy, dòng vốn cho ESG vẫn còn hạn chế. Tín dụng xanh mới chiếm tỷ trọng nhỏ (4,5% tổng dư nợ). Ngân hàng thường lựa chọn rót vốn vào dự án lớn nhằm bớt rủi ro dẫn tới doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được tín dụng xanh từ ngân hàng khi không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, lãi suất cho dự án ESG chưa được ưu đãi nhiều. Khả năng hấp thụ vốn công nghệ xanh vẫn còn thấp.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng cũng gặp nhiều thách thức trong đẩy mạnh tín dụng xanh.
Cụ thể, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, xu hướng phát triển các ngành/lĩnh vực xanh tạo cơ hội cho các tổ chức tín dụng mở rộng quy mô, phát triển các sản phẩm/dịch vụ xanh, chuyển đổi danh mục đầu tư bền vững hơn.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào với cho phí hợp lý trong điều kiện với bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lãi vay bằng USD đang duy trì ở mức cao.
Thứ hai, bối cảnh mới với cách mạng khoa học công nghệ, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, loại hình dự án đầu tư xanh mới, trong khi chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật chung về môi trường để nhận diện, đánh giá tính xanh của dự án đầu tư, đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để lựa chọn, thẩm định, quản lý khoản cấp tín dụng xanh hiệu quả.
Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đã được luật hóa như một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, được thực hiện đầy đủ từ ngày 1/1/2026. Sau EU, Mỹ cũng đã ban hành Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu - khách hàng của các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, các ngân hàng sẽ cần đánh giá, lựa chọn danh mục đầu tư và tăng cường quản trị rủi ro khi cấp tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu này để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động cho vay.
Để doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn xanh, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị ngành ngân hàng cho vay xanh với hình thức bảo lãnh với tỷ lệ 30-50%. Thứ hai, về chuẩn mực xanh, cần rút ngắn bớt các chỉ tiêu (các nước trên thế giới chỉ đưa ra 10-12 chỉ tiêu). Thứ ba, cần số hóa dữ liệu, tận dụng các nền tảng để giảm được năng lượng, khí thải. Thứ tư, cần đổi mới ưu đãi thuế (đề xuất miễn thuế cho doanh nghiệp thực hành xanh 2-4 năm đầu tiên). Thứ năm, cần cố vấn cho doanh nghiệp đi theo chuỗi giá trị.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.
BàPhạm Thị Thanh Tùng khẳng định, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng hoạt động tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường, rủi ro môi trường và xã hội thông qua các Chiến lược phát triển của ngành, Đề án phát triển ngân hàng xanh Việt Nam, Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, kế hoạch hành động vì sự phát triển bền vững…, phù hợp với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và các cam kết của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Từ đó, tăng cường nhận thức, trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, giúp các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo hướng bền vững.
Ngân hàng Nhà nước đặt ra yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào ngành, lĩnh vực xanh; lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng; xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng thực hiện các Đề án chống biến đổi khí hậu, chương trình cho vay nông nghiệp bền vững, phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.. tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều quy định, hướng dẫn để triển khai hoạt động quản lý rủi ro về môi trường, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng một cách đồng bộ, hiệu quả: (i) Ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro đối với 15 ngành có rủi ro cao…
Thùy Liên