Ông lớn trong ngành chăn nuôi heo nói gì về thuế nhập khẩu Mỹ?

Ông lớn trong ngành chăn nuôi heo nói gì về thuế nhập khẩu Mỹ?
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 23-4, tại đại hội cổ đông thường niên, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) cho biết, chính sách thuế nhập khẩu Mỹ gần như không tác động tiêu cực đến công ty.
Nguyên nhân, BAF sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, khô đậu tương và lúa mì từ Nam Mỹ, Mỹ và khu vực Biển Đen. Nếu Mỹ áp thuế mạnh, thì Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới các mặt hàng này, có thể trả đũa bằng cách ngừng nhập.
Điều này sẽ dẫn đến giá nguyên liệu giảm sâu, và thực tế giá đã giảm tới 10% gần đây.
Trong ngành chăn nuôi heo, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm trên 70% giá thành sản phẩm. Do đó, việc giá nguyên liệu giảm sẽ mang lại lợi thế về giá thành cho BAF và nhiều đơn vị trong ngành chăn nuôi heo.
"Đối với thịt nhập khẩu cũng không quá lo ngại tác động đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Vì người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên sử dụng thịt tươi nóng. Thịt đông lạnh nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho các kênh Horeca (khách sạn, nhà hàng, quán ăn), bếp ăn tập thể và khu công nghiệp.
Do đó, dù thịt nhập khẩu có thể có tác động, nhưng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng tương lai của BAF cũng như toàn thị trường" - ông Trương Sỹ Bá nói.
Với quy trình sản xuất tối ưu hóa chi phí kết hợp giá heo tăng cao, năm 2024, BAF đã có lợi nhuận sau thuế gần 320 tỉ đồng, cao hơn 10 lần so với năm 2023. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Theo đánh giá của ban lãnh đạo BAF, năm 2024 là thời điểm chứng kiến nhiều sự kiện đánh dấu bước chuyển đổi rõ ràng của ngành chăn nuôi trong nước. Điều này đến từ từ 2 nguyên nhân. Đó là Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đã dẫn đến cuộc đại di dời trong ngành chăn nuôi mà đặc biệt là chăn nuôi heo.
Dưới tác động của Luật Chăn nuôi, hàng chục ngàn cơ sở chăn nuôi trên cả nước buộc phải di dời để đảm bảo các yêu cầu khắt khe về vị trí, môi trường và an toàn sinh học; đồng thời kích hoạt làn sóng chuyển dịch không gian chăn nuôi từ nông hộ, phân tán sang trang trại tập trung, quy mô lớn.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 1.500 ổ dịch, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn, giá heo hơi trong nước phục hồi mạnh mẽ với mức tăng khoảng 30% so với năm 2023.
Tại đại hội, cổ đông cũng đặt câu hỏi về tác động của phát triển bền vững lên giá thành heo. Bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc BAF cho biết, ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là một hành trình đòi hỏi đầu tư và chi phí.
Đây là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang các hoạt động sản xuất và kinh doanh bền vững hơn để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của thị trường, đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững chung của quốc gia.
PHƯƠNG MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/ong-lon-trong-nganh-chan-nuoi-heo-noi-gi-ve-thue-nhap-khau-my-post846129.html