Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản làm gì trong thời gian hoãn áp thuế 46%

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản làm gì trong thời gian hoãn áp thuế 46%
6 giờ trướcBài gốc
Chủ động bước vào khủng hoảng
Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu Việt Nam chịu áp lực về thuế đối ứng 46%, thuế có thể được áp vào ngành hồ tiêu gia vị nên lập tức có tình trạng nông dân găm hàng chờ giá tiêu đạt đỉnh.
Ông Ngô Bá Lương, Quản lý vùng nguyên liệu hồ tiêu phía Nam của Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà, cho biết, phần lớn sản lượng tiêu của doanh nghiệp được xuất khẩu sang Mỹ và EU. Việc người dân tích trữ tiêu trong các bao bì, bạt trải không đạt chuẩn có nguy cơ cao phơi nhiễm dư lượng chất sudan đỏ- Một hoạt chất được quốc tế xếp vào nhóm phẩm màu công nghiệp và không được phép sử dụng.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp hồ tiêu gia vị đang cho nông dân mượn kho ký gửi và tranh thủ xuất hàng với mức thuế cũ, tránh ùn ứ hàng với những hợp đồng đã ký từ năm 2024.
Ông Lương cho biết: “Chúng tôi cũng cố gắng thích nghi, một số đối tác cũng đang hối thúc chúng tôi giao hàng trong 90 ngày này. Được biết Chính phủ mình đang đàm phán, tôi hi vọng việc đàm phán giữa hai nước tốt đẹp. Riêng phía doanh nghiệp chúng tôi cũng có trao đổi thường xuyên với đối tác, khách hàng tìm ra những những cách tháo gỡ để giao thương nhanh chóng”.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết, năm 2024, xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 96 triệu USD, chiếm 58% doanh thu của công ty.
Gần đây, khi Mỹ bất ngờ dự kiến áp thuế đối ứng 46%, khoảng 40% đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng do đối tác lo ngại giá tăng, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Nhưng khi Mỹ tạm hoãn áp mức thuế này trong 90 ngày thì đơn hàng nhanh chóng phục hồi, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sôi động trở lại. Hiện Vina T&T đang tăng tốc xuất khẩu các loại trái cây tươi như bưởi, sầu riêng, nhãn, dừa, thanh long, xoài… sang Mỹ.
Trong thời gian ngắn ngủi này, công ty đẩy nhanh tiến độ giao hàng theo hợp đồng đã ký, bởi đặc thù trái cây tươi khó bảo quản lâu, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai bên để đảm bảo chất lượng và tiến độ giao hàng.
Theo ông Tùng, doanh nghiệp cũng có nhiều thị trường khác nhưng luôn xem trọng thị trường truyền thống- thị trường Mỹ. Vì vậy, tự công ty cũng sẽ cố gắng có những biện pháp phù hợp.
“Bản thân từng doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay cố gắng giữ được thị trường truyền thống của mình. Bây giờ chúng ta cần linh hoạt, tùy cơ ứng biến, mình cần xem bước kế tiếp từ phía Mỹ như thế nào. Còn về phía Chính phủ, tôi nghĩ rõ ràng là cần cho Mỹ thấy Việt Nam là đối tác đáng tin cậy”, ông Tùng cho hay.
Tận dụng tối đa thời gian giãn thuế
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Mỹ là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng với tốc độ tăng trưởng và ổn định giá cả.
Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,1 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 110 triệu USD, nhưng Việt Nam lại nhập siêu 50 triệu USD.
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu ngắn hạn, tìm kiếm thị trường mới hoặc đàm phán giảm thuế.
Trong tình huống không mong đợi, tất nhiên một số mặt hàng rau quả Việt Nam sẽ khó xuất sang Mỹ. Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng xoay trục sang các thị trường khác, như: Trung Quốc, châu Âu.
Riêng một số sản phẩm như xoài, bưởi, chanh dây vẫn có thể tiếp tục vào Mỹ do có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực cũng đang chịu mức thuế cao.
Theo ông Nguyên, ngành rau quả Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thích ứng và phát triển nhờ sự linh hoạt và tiềm năng từ các thị trường thay thế.
Còn với ngành hàng hồ tiêu gia vị, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết: trong quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu trên 47.600 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch trên 326 triệu USD, dù sản lượng giảm hơn 16% nhưng giá trị tăng mạnh gần 39% so với cùng kỳ.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu gia vị lớn nhất, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch và nhập tới 77% lượng hồ tiêu từ Việt Nam. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang đối mặt thách thức lớn khi Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 10%. Điều này khiến một số nhà mua hàng Mỹ tạm dừng giao dịch, làm tăng áp lực cạnh tranh với hồ tiêu Brazil, Indonesia, những nước có mức thuế thấp hơn.
Bà Liên cho rằng, cần tranh thủ tối đa 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng 46% để đẩy mạnh giao hàng. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Á và Trung Đông nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ, vốn ngày càng nhạy cảm về giá và thuế.
Các hiệp hội nhận định, nông sản Việt vẫn có lợi thế xuất khẩu, nhất là trái cây. Doanh nghiệp chủ động đàm phán, chia sẻ chi phí, liên kết giảm giá thành và sẵn sàng giảm giá bán để giữ thị trường khi thuế Mỹ tăng.
Nguyễn Quang/VOV-TPHCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san-lam-gi-trong-thoi-gian-hoan-ap-thue-46-post1193469.vov