Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khởi đầu từ cuộc tấn công của Nga vào năm 2022, đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga. Sự suy giảm mạnh mẽ của nền kinh tế, giá thực phẩm leo thang, và những kế hoạch hạn chế tài chính như đóng băng tài khoản ngân hàng là những dấu hiệu rõ nét cho thấy tác động sâu sắc của cuộc chiến này.
Hình minh họa người phụ nữ uống thuốc vào buổi sáng. Ảnh: Getty
Bên cạnh những hệ lụy kinh tế và xã hội, một hệ quả đáng buồn khác cũng đang lộ diện: tỷ lệ sử dụng thuốc chống trầm cảm tại Nga gia tăng đáng kể.
Theo số liệu mới đây từ báo Kommersant, doanh số bán lẻ thuốc chống trầm cảm tại Nga đã đạt mức 16,1 triệu hộp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2024. Báo cáo từ công ty phân tích DSM Group chỉ ra rằng doanh số này tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua tổng doanh số cả năm 2023 (15,3 triệu hộp).
Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2024, số lượng thuốc bán ra cũng vượt qua kỷ lục trước đó là 13 triệu hộp vào năm 2022.
So với thời điểm trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào cuối tháng 2 năm 2022, hiện nay số người Nga sử dụng thuốc chống trầm cảm đã tăng đáng kể.
Ba loại thuốc chống trầm cảm được ưa chuộng nhất tại Nga là Amitriptyline, Fluoxetine và Zoloft. Đáng chú ý, doanh số Zoloft đã tăng vọt 300% trong năm 2024, đạt mức 1,7 triệu hộp, sau khi loại thuốc này quay trở lại các kệ thuốc ở Nga.
Tuy nhiên, việc áp đặt các lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu đối với xuất khẩu dược phẩm và thiết bị y tế đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thuốc, khiến các hiệu thuốc và nhà phân phối tại Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng, cả do nhu cầu cao lẫn những khó khăn về chuỗi cung ứng.
Thống kê cho thấy, chỉ trong một tuần, từ ngày 28/2 đến ngày 6/3/2024, đã có 577.600 hộp thuốc chống trầm cảm được bán ra, với tổng giá trị lên đến 525,6 triệu ruble (tương đương 5,1 triệu USD).
Một báo cáo từ Trung tâm phát triển công nghệ tiên tiến của Nga cho biết người dân Nga đã chi tiêu nhiều hơn 70% cho các loại thuốc chống trầm cảm trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng hộp thuốc bán ra trong giai đoạn này cũng tăng 48%, với 8,4 triệu hộp được tiêu thụ.
Dù các con số này phản ánh nhu cầu gia tăng đối với thuốc chống trầm cảm tại Nga, chúng cũng là minh chứng cho thấy cuộc sống của người dân nơi đây đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những áp lực từ chiến tranh và khó khăn kinh tế kéo dài.
Việt Hà (Theo Daily Express US)