Tồn tại nhiều thập kỷ, nghề ủ giá bằng cát sông Trà Khúc là niềm tự hào của người dân thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Với phương pháp làm truyền thống độc đáo, giá ủ từ cát không chỉ giòn ngon, ngọt tự nhiên mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Gắn bó với nghề ủ giá bằng cát hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Phước (66 tuổi, ngụ tại thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn đều đặn giữ nếp sinh hoạt như bao năm qua. Mỗi ngày, bà thức dậy từ 5 giờ sáng để gieo đậu ủ giá, đến 1 giờ chiều lại thu hoạch mang đi bán. Nhờ trồng luân phiên đều đặn, ngày nào gia đình bà cũng có giá sạch để cung cấp cho các thương lái.
Theo bà Phước, để cho ra những cọng giá sạch, khâu đầu tiên là chọn đậu xanh chất lượng tốt. Cùng với đó, cát dùng để ủ giá cũng phải là loại cát sạch được mua từ ven sông Trà Khúc. Sau khi mua về, cát được sàng kỹ để loại bỏ rác và sỏi, chỉ giữ lại phần mịn nhất. Đặc biệt, cát chỉ dùng 2 – 3 lần cho mỗi mẻ ủ; nếu sử dụng nhiều lần, đậu sẽ không nảy mầm.
Đậu xanh sau khi được ngâm sẽ được trộn đều với cát và ủ trong các thùng phuy có che đậy cẩn thận. Sau khoảng 4 ngày, giá sẽ bung mầm, vươn dài trắng nõn và có thể thu hoạch. Trung bình, 1kg đậu xanh sẽ cho ra khoảng 6kg giá sạch. Mỗi ngày, gia đình bà Phước thu được khoảng 20kg giá, bán cho thương lái với giá khoảng 10.000 đồng mỗi ký.
Được biết trước kia, thị trấn Tịnh Hà là cái nôi của nghề ủ giá bằng cát ven sông Trà Khúc, với gần 100 hộ dân theo nghề. Khi ấy, người dân chỉ cần đào hố ngay trên những bãi bồi dọc sông để gieo đậu.
Thế nhưng, theo thời gian, nghề truyền thống này đang dần mai một. Bởi khó cạnh tranh với giá đỗ công nghiệp, thời tiết ngày càng thất thường, trong khi nguồn cát sông Trà Khúc được coi là linh hồn của nghề cũng trở nên khan hiếm vì bị khai thác quá mức.
Thực hiện Thy Phước
Nguồn Công Thương : https://media.congthuong.vn/doc-dao-nghe-u-gia-sach-bang-cat-ven-song-tra-khuc-14616.media