Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản để làm rõ hơn về yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
+ Để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức giúp dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới thành công, Đảng nên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về những phương diện cụ thể nào và vì sao, thưa ông?
- PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ.
Đồng thời, ý thức được nguy cơ đối với Đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Đặc biệt, sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của Nhân dân ta luôn luôn vận động, phát triển khách quan cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới thì việc phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng là một đòi hỏi, yêu cầu khách quan, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi; đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Tạp chí Cộng sản
Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị ngày càng được khẳng định và đổi mới. Đồng thời, định hình rõ hơn và bảo đảm thực hiện trong thực tiễn cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 40 năm đổi mới. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách.”
Đặc biệt, qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều kiểm điểm, đánh giá và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Minh chứng là, Hội nghị Trung ương 5 khóa X, BCHTW ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007, về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa X, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Trung ương khẳng định: Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới càng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
Đảng cần có cơ chế hữu hiệu để Nhân dân thực sự tham gia đầy đủ, thực chất vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Trong ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri. Ảnh: TTXVN
Trong bài viết: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra bốn công tác trọng tâm phải thực hiện để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ; đó là:
“Thứ nhất, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”. Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên của Đảng chấp hành, “thượng tôn” pháp luật. Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công, thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc.
Nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng. Việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết phải tạo ra sự tự nhận thức, tự thấm nhuần, nhất là những quan điểm, chủ trương, giải pháp mới. Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Hội nghị lần thứ Mười, Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Đảng kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc; kịp thời phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo; uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Ban hành Quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu cực. Tập trung chuyển đổi số trong công tác đảng; xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người có một trong những biểu hiện sau: không có bản lĩnh chính trị vững vàng, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giảm sút năng lực, trình độ, uy tín, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm trách nhiệm nêu gương, vi phạm những điều đảng viên không được làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm...
+ Theo ông, bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa như thế nào?
- PGS. TS. Vũ Văn Phúc: Theo tôi, bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa rất to lớn trong giai đoạn hiện nay của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước và được Nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ rất cao.
Chúng ta thấy, sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của Nhân dân thì luôn luôn vận động, phát triển để phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Điều này yêu cầu Đảng ta phải thường xuyên tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của mình, để Đảng luôn trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới bến bờ thắng lợi.
Ở giai đoạn hiện nay, Đảng đang tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 40 năm đổi mới. Chúng ta tổng kết có cả những bài học thành công và bài học chưa thành công qua 40 năm đổi mới. Trong đó có tổng kết về công tác xây dựng Đảng, tổng kết về quá trình xây dựng, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Đất nước ta đang bước vào một khởi điểm mới, một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu. Điều đó đòi hỏi là phương thức lãnh đạo của Đảng phải tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Do đó bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm ra đời rất kịp thời, mang tính định hướng cho toàn Đảng ta trong việc tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của mình, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước cũng như sự nghiệp cách mạng của đất nước ta.
+ Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ là đặc biệt quan trọng. Đảng cần những giải pháp đột phá nào để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác này nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thưa ông?
- PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Có thể nói, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ là đặc biệt quan trọng. Đảng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bảo đảm thực hiện thống nhất nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Xây dựng cơ chế lựa chọn, bố trí đúng những người thực sự có đức, có tài, liêm chính, có khát vọng cống hiến, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy hệ thống chính trị.
Hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế về công tác cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược theo nguyên tắc công khai, minh bạch; quyền lực đi đôi với trách nhiệm; nhiệm vụ gắn với nguồn lực, điều kiện thực hiện; sử dụng gắn với chính sách, chế độ đãi ngộ.
Hình ảnh diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TL
Đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các hành vi chạy chức, chạy quyền; thực hiện nghiêm quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Có cơ chế, phương pháp đánh giá cán bộ chính xác, khách quan, công tâm, minh bạch, theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể.
Đảng cần có cơ chế hữu hiệu để Nhân dân thực sự tham gia đầy đủ, thực chất vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.
Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm cấp ủy, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Có cơ chế thực sự phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài; chuyên gia, nhà khoa học giỏi...
Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người có một trong những biểu hiện sau: không có bản lĩnh chính trị vững vàng, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giảm sút năng lực, trình độ, uy tín, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm trách nhiệm nêu gương, vi phạm những điều đảng viên không được làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm...
Đổi mới đi vào thực chất, hiệu quả tất cả các khâu trong công tác cán bộ từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức...
Tăng cường, thực hiện thật tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay.
Gia Phát