Đổi thay ở xã nhiều không

Đổi thay ở xã nhiều không
3 giờ trướcBài gốc
Kỳ 1: Ký ức Tủa Sín Chải
Xã Tủa Sín Chải từng biết đến là xã “4 không”, đó là: không điện, không đường, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt. Thêm vào đó, nông nghiệp không phát triển, từng “ghì chặt” người dân nơi đây vào cái nghèo, sự khó. Tủa Sín Chải ngày ấy nhuốm màu khó khăn.
Ngày nay, từ trung tâm huyện đến xã Tủa Sín Chải đã có con đường rải nhựa, khoảng một tiếng đồng hồ là có thể tới nơi. Chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của nhịp sống nơi đây, các gian hàng tạp hóa tấp nập người mua, người bán. Đất trống đã trở thành đồng ruộng, nương ngô, bãi chăn thả gia súc, khu trồng cây dược liệu. Một cuộc sống mới no ấm hơn đang hiện hữu.
Những năm từ 2005 trở về trước, đường từ trung tâm huyện đến xã chỉ tầm 30 cây số, nhưng có khi mất cả ngày đi đường. Địa hình của xã phức tạp, nhiều đồi núi, vực sâu, bản cách xa bản, có bản chia thành từng điểm nhóm, cách nhau tới 5 đến 6 cây số đường rừng. Muốn từ bản này đến bản nọ hoặc lên trung tâm xã, chỉ có đi bộ men theo đường mòn, lối mở, băng rừng, vượt suối. Thời điểm đấy, ở xã vùng cao này, ngựa không chỉ là bạn nhà nông mà còn trở thành phương tiện đắt giá, giúp con người di chuyển thuận lợi. Đường đi khó thì việc gì cũng khó, xã có 13 bản, bản xa nhất 20 cây số, giáp với xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ), thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) nên “rất dễ” trong việc giao thương. Nói là dễ, nhưng đó chỉ là cách nói vui của chúng tôi, muốn mang hàng hóa đến nơi đấy để bán, là một quá trình thử thách lòng gan dạ con người. Vì dân tộc Mông có lối sống trên núi cao mà nơi đó là địa bàn của dân tộc Thái, sống ở vùng trũng thấp, cạnh con sông ven suối, muốn mang nông sản đến bán, trao đổi, vừa đi bộ, vừa dùng ngựa thồ xuống, đến nơi có sông nước thì đợi thuyền của người dân đi đánh cá chở đi. Còn chở nông sản lên trung tâm xã, huyện thì khó hơn, thậm chí đằng đẵng cả tháng mới có một chuyến.
Bản Tủa Sín Chải (xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ) hôm nay.
Hàng nông sản cũng nghèo nàn, chỉ vài bao thóc, ngô sau mùa vụ và thêm rau, măng rừng, mật ong, vài con gà, vịt đem bán để mua vải, gia vị, đồ dùng bếp, hạt giống. Để làm được một mùa vụ ngô, lúa, có được cái ăn, mọi thứ đều phải thực hiện bằng tay, chân, gia súc kéo cày ít hộ có, bà con phải dùng lưng, còng hai đôi vai để kéo lưỡi cày. Lúc đấy cái đói, cái mệt thấu đến tâm can, nhưng vì cuộc sống, phải ra sức mà làm. Gieo được hạt giống, còn phải trông chờ vào thời tiết, đợi từng giọt mưa để tưới. Nước ở các khe, các mó thì có nhưng khổ nỗi lại ở xa, vách núi cheo leo, không thể đưa nước về, chỉ biết đợi nước mưa, đào thêm giếng tìm nước. Thiếu nước đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, một thùng nước kiếm được từ 25 - 30 lít phải phân phối ra từng can nhỏ dùng trong 1 tháng. Nhiều lúc, rau không dám rửa, gạo không dám vo. Đói nước, đói gạo, kết thúc mùa vụ, hộ nhiều được hơn 20 bao, ít thì từ 5 - 6 bao.
Ông Giàng A Chăm (bản San Sủa Hồ) năm nay đã 72 tuổi, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của bản, cho biết: Trước đây, hộ nào cũng nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, nhà ở dột nát mà trong đó bao thế hệ sinh sống. Con trẻ không biết đến con chữ. Vợ chồng tôi có 10 người con nên nghèo lắm. Các con không được học hành nên giờ chỉ trông chờ làm nông, đi làm thuê. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, cuộc sống của người dân trong bản thay đổi theo thời gian.
Không có điện lưới, sóng điện thoại cũng như các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước dường như không đến với bà con. Điểm trường từ năm 2000 về trước cũng không có, nên người dân trong bản ai biết chữ thì truyền dạy cho nhau cách nói, viết. Và khi tối đến, dưới ánh đèn dầu, cây nến, nhà ở thành lớp học, người biết chữ trở thành giáo viên bất đắc dĩ.
Nhận thức hạn chế, ít được giao tiếp với xã hội bên ngoài, cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con, trọng nam khinh nữ… cùng nhiều hủ tục khiến bà con đã nghèo càng thêm khó. Mỗi lần mời thầy mo về cúng hoặc làm lễ trừ tà thì con trâu, bò, vài con lợn, con gà phải mổ để thắp hương, cúng bái. Tiền mất tật mang, không xua đuổi được gì, mà gia chủ phải gánh thêm nợ nần.
Anh Mùa A Đại - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời điểm đấy, tỷ lệ hộ nghèo của xã 100%, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức từ 2 - 3 triệu đồng/năm. Ruộng, nương làm 1 vụ với diện tích toàn xã vỏn vẹn 90ha, còn chăn nuôi thì lạc hậu. Cái gì cũng thiếu thốn, thấy vậy, bọn tội phạm còn lợi dụng để lôi kéo, kích động, khiến cuộc sống càng thêm khốn đốn, nghèo đói.
Trước tình hình trên, ngoài sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực vào cuộc, có những biện pháp cụ thể, sát với thực tiễn. Qua đó, từng bước đưa cuộc sống người dân đổi thay, ánh sáng của sự khởi sắc dần hiện ra.
(còn nữa)
Thái Hà
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-h%C3%B4m-nay/%C4%91%E1%BB%95i-thay-%E1%BB%9F-x%C3%A3-nhi%E1%BB%81u-kh%C3%B4ng