Đón đầu công nghiệp bền vững từ cửa ngõ Tây TP.HCM

Đón đầu công nghiệp bền vững từ cửa ngõ Tây TP.HCM
7 giờ trướcBài gốc
Điểm sáng công nghiệp mới ở miền Nam
Long An và Tây Ninh, từng là một phần của phủ Gia Định, có vị trí địa lý, hạ tầng, cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển tương đồng. Việc sáp nhập tạo thành không gian liên kết chặt chẽ, thúc đẩy phát triển vùng, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư công nghiệp.
Hai địa phương đều có vị trí chiến lược, giáp TP.HCM và biên giới Campuchia, tạo thành khu vực rộng hơn 8.500 km2 với hơn 3,3 triệu dân, vượt tiêu chuẩn của một tỉnh. Cả hai tỉnh đều phát triển công nghiệp nhanh, hướng chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, sinh thái, ít phát thải. Sáp nhập hai tỉnh mở ra cơ hội hình thành cực tăng trưởng công nghiệp mới tại cửa ngõ phía Tây TP.HCM.
Với hạ tầng đồng bộ và cơ cấu kinh tế phát triển, việc hợp nhất hai tỉnh này không chỉ khai thác tối đa những lợi thế sẵn có mà còn tạo ra một không gian phát triển liên kết, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy kết nối vùng mạnh mẽ hơn.
Khu vực liên tỉnh mới sau sáp nhập hưởng lợi lớn từ hệ thống hạ tầng đang đẩy mạnh đầu tư, gồm cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 - 4 TP.HCM. Đồng thời, 14 tuyến đường nội vùng phía Nam Tây Ninh đã và đang triển khai, liên kết hiệu quả các cụm công nghiệp, khu dân cư và cảng quốc tế Long An (gần 2.000 ha), trung tâm logistics trọng điểm phía Tây Nam Bộ.
Phía đầu cao tốc Bến Lức ở tỉnh Long An kết nối với cao tốc hiện hữu TP.HCM - Trung Lương đi các tỉnh ĐBSCL.
Sự liên kết này giúp tái tổ chức chuỗi cung ứng, phân bổ hợp lý vai trò các khu công nghiệp. Cửa ngõ phía tây TP.HCM trở thành điểm trung chuyển, chế biến quan trọng kết nối vùng công nghiệp cao và trung tâm logistics của Tây Ninh.
Chiến lược đột phá tại Prodezi
Trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các KCN theo mô hình sinh thái như Prodezi nổi bật như những trung tâm chiến lược, tận dụng lợi thế từ sự thay đổi về địa giới hành chính và quy hoạch hạ tầng liên vùng.
Nằm tại huyện Bến Lức, Long An, KCN Prodezi không chỉ sở hữu vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía Tây TP.HCM mà còn tiên phong trong việc phát triển mô hình KCN sinh thái. Dự án hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu chuyển dịch xanh, thu hút nhà đầu tư thế hệ mới mong muốn góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh và bền vững của đất nước.
Prodezi là một trong số ít KCN được thiết kế theo hướng sinh thái, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, năng lượng, giảm khí thải và chất thải. Dự án dự kiến sử dụng 20% năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà, xử lý 100% nước thải đạt chuẩn, trong đó tái sử dụng 25%, hướng tới chứng nhận xanh quốc tế.
KCN Prodezi không chỉ sở hữu vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía Tây TP.HCM mà còn tiên phong trong việc phát triển KCN theo mô hình sinh thái.
Các doanh nghiệp tại đây được khuyến khích thực hiện “cộng sinh công nghiệp” - chia sẻ tài nguyên, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Sự hợp tác với đối tác quốc tế như Toho Gas, Chitose, TA Vital trong lĩnh vực năng lượng, xử lý nước thải, phân hữu cơ tạo nền móng vững chắc cho mạng lưới cộng sinh ngành. Khi đạt tỷ lệ lấp đầy nhất định, dự án sẽ mở rộng mô hình theo từng cụm ngành, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bền vững, giảm phụ thuộc nguồn lực bên ngoài, linh hoạt thích ứng với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát huy sức bật từ liên kết vùng
Việc sáp nhập Long An - Tây Ninh mở ra cơ hội vượt bậc về năng lực sản xuất, hậu cần và nhân lực chất lượng cao. Với tầm nhìn chiến lược dài hạn và vị trí trung tâm nằm giữa trục công nghiệp và logistics, Prodezi IP đang trở thành dự án tận dụng tối đa lợi thế mới này.
Cụ thể, các doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại Prodezi dễ dàng liên kết chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu nông nghiệp Tây Ninh đến cảng biển Long An, kết nối thuận tiện với Đông Nam Bộ. Hạ tầng hoàn thiện và quỹ đất rộng lớn của dự án tạo điều kiện lý tưởng để phát triển trung tâm phân phối, kho thông minh và các dịch vụ hỗ trợ chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả logistics.
Vùng liên tỉnh sau sáp nhập sẽ đứng đầu trong quy hoạch công nghiệp theo mô hình sinh thái toàn vùng tại ĐBSCL. Các dự án như Prodezi IP dễ dàng thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư ESG và công nghiệp công nghệ cao - những đơn vị đang săn lùng điểm đến xanh, ổn định. Với quy mô 400 ha, Prodezi hướng đến thu hút hàng trăm doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, dự kiến huy động vốn từ lên đến 1,5 tỷ USD, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế vùng và quốc gia.
Khánh Cường
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/batdongsan/don-dau-cong-nghiep-ben-vung-tu-cua-ngo-tay-tphcm-d317881.html