Chính sách miễn thuế có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và phát triển lĩnh vực nông nghiệp bền vững.
Hướng tới tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 216/2025/QH15 của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2030.
Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế SDĐNN hiện đang được áp dụng theo quy định của Luật Thuế SDĐNN năm 1993 và Pháp lệnh số 31-PL/CTN ngày 29/3/1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất vượt quá hạn mức. Việc miễn thuế SDĐNN là một trong những chính sách lớn của Nhà nước nhằm xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ nông dân và khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian qua, thuế SDĐNN đã được miễn theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội gồm: Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14. Tuy nhiên, chính sách miễn thuế này không áp dụng đối với diện tích đất nông nghiệp do Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng để sản xuất, mà giao khoán lại cho tổ chức hoặc cá nhân khác.
Triển khai các nghị quyết nêu trên, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn như: Nghị định số 20/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12; Nghị định số 21/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20; và Nghị định số 146/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về hạng đất tính thuế. Các nghị định này đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi chính sách miễn thuế.
Nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời góp phần cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 216/2025/QH15 ngày 26/6/2025, quyết định kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết này, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế cho các nghị định hiện hành nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Việc ban hành nghị định mới cũng hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong tra cứu, áp dụng các quy định pháp luật liên quan.
Phát huy hiệu quả tích cực đã đạt được
Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Nghị định đề xuất quy định cụ thể về các nội dung: đối tượng được miễn thuế, hạng đất tính thuế và thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Mục tiêu của việc ban hành Nghị định là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật; nâng cao tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định bám sát các định hướng và chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, các nội dung của dự thảo phù hợp với Hiến pháp và các văn kiện quan trọng như: Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 và Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Luật Đất đai năm 2024; cùng với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quy hoạch, phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.
Dự thảo cũng kế thừa và phát huy những quy định đã phát huy hiệu quả tích cực trong thời gian qua, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Bộ Tài chính sẽ tổng hợp ý kiến để hoàn thiện văn bản, trình Chính phủ ban hành chính thức trong thời gian tới. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của chính sách thuế trong việc hỗ trợ và phát triển lĩnh vực nông nghiệp bền vững.
Thùy Linh