Thị trường chứng khoán thường xuất hiện “sóng” trước mùa đại hội cổ đông
Thông tin từ doanh nghiệp
Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vào ngày 10/4 tới, thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu gần 2.520 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 29% so với năm ngoái, đồng thời thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 17.126 tỷ đồng, gấp đôi hiện tại.
Thực tế cho thấy, thông tin xung quanh cuộc họp đại hội đồng cổ đông của các công ty chứng khoán được đông đảo nhà đầu tư quan tâm, bởi khối công ty này đang đứng trước dư địa phát triển lớn khi hệ thống KRX dự kiến sẽ vận hành từ ngày 5/5/2025. Không ít công ty chứng khoán khác đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm có thêm nguồn lực để mở rộng hoạt động như Chứng khoán Rồng Việt sẽ tăng vốn từ 2.430 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng, Chứng khoán FPT lên phương án phát hành gần 30,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý III/2025 và phát hành gần 10 triệu cổ phiếu ESOP…
Ở nhóm ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hơn 85% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng trong năm 2025. Với mục tiêu dư nợ tín dụng toàn ngành năm nay tăng 16%, hầu hết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 15%, nhất là các nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc gồm Vietcombank (tăng 16,278%), MB (tăng 26%), HDBank và VPBank (tăng 20 - 25%). Trong đó, các ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 - 16%, mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 5 - 10%.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB cho biết, hầu hết ngân hàng sẽ tổ chức kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 trong tháng 4 và 5 tới. Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu đóng vai trò nâng đỡ chỉ số chung của thị trường chứng khoán kể từ đầu năm nay. Diễn biến của nhóm này có dấu hiệu chững lại trong vài tuần gần đây nên thông tin tích cực mùa đại hội cổ đông sẽ tạo hiệu ứng tốt.
Những ngành có triển vọng kinh doanh sáng như bất động sản công nghiệp, hóa chất, công nghệ thông tin, ngân hàng, chứng khoán, logistic có thể tiếp tục thu hút dòng tiền.
Ngoài các thông tin liên quan đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, thì các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được nâng room ngoại lên 49%, cùng với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm nay sẽ giúp MB và HDBank có thêm dư địa thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đối với VPBank, do room ngoại vẫn còn, đồng thời Ngân hàng đã có một cổ đông chiến lược nên khả năng thu hút thêm nhà đầu tư ngoại ở mức thấp hơn.
Theo ông Dũng, Nghị định 69/2025/NĐ-CP về nâng room ngoại cho ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có hiệu lực từ ngày 19/5/2025 sẽ tạo cơ sở và dư địa cho một số ngân hàng thương mại tìm kiếm đối tác chiến lược, tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư về các đợt tăng giá của cổ phiếu ngân hàng. Nếu một ngân hàng tìm được đối tác chiến lược, điều này sẽ có tác động tích cực đến giá cổ phiếu do diễn biến giá thường có xu hướng tăng trước khi thương vụ diễn ra. Những ví dụ điển hình trong việc bán vốn ngân hàng những năm gần đây có VPBank bán 15% cổ phần cho SMBC năm 2022 - 2023, BIDV bán 15% cổ phần cho Hana Keb năm 2018 - 2019. Giá cổ phiếu của 2 ngân hàng này đều có diễn biến tích cực trong quá trình từ lúc công bố thông tin bán vốn đến khi hoàn tất thương vụ.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup đánh giá, có nhiều cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng vào mùa đại hội cổ đông năm nay, như kế hoạch tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh tăng trưởng ở nhiều nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, bất động sản công nghiệp… Bối cảnh vĩ mô năm 2025 cũng có những điểm đáng để kỳ vọng, đó là quyết sách của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, trong đó phấn đấu GDP năm nay đạt mức tăng 8% và từ năm 2026 tăng trưởng ở mức 2 con số; chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hỗ trợ nền kinh tế; khu vực kinh tế tư nhân đang được Chính phủ xem là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khó khăn và đang phục hồi trở lại, cho dù có những biến số về kinh tế thế giới nhưng tất cả đều hy vọng vào một chu kỳ tăng trưởng mới của doanh nghiệp.
Trong ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) dự kiến năm 2025 đạt doanh thu 170.000 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2024. Các doanh nghiệp ngành thép kỳ vọng, nhu cầu trong năm nay sẽ phục hồi theo sự “ấm” lên của ngành bất động sản và cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư.
Chắt lọc thông tin
Thông tin mùa đại hội cổ đông là cơ hội để nhà đầu tư rà soát, tìm ra các doanh nghiệp tiềm năng. Lựa chọn đầu tư dựa trên thông tin doanh nghiệp tức là nhà đầu tư đang đầu tư dựa trên yếu tố cơ bản, với kỳ vọng thông tin tích cực sẽ làm xoay chuyển tình hình hoặc đưa doanh nghiệp vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Trung, có những thông tin thoạt nghe có vẻ tốt, nhưng khi phân tích kỹ thì câu chuyện lại không như cảm nhận ban đầu. Với sự thuận lợi về chính sách chung của Chính phủ, có nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm nay, nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều sẽ tốt lên. Hiện tại, một số doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Ngay cả trong một ngành thì có doanh nghiệp phục hồi, có doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn do yếu tố nội tại của doanh nghiệp.
Do vậy, nhà đầu tư khi lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư cần phân tích kỹ ngành nghề kinh doanh, nhất là các ngành liên quan đến xuất khẩu, bởi đang đối mặt với yếu tố bất định ở các thị trường lớn trên thế giới, nhu cầu về sản phẩm ở mức thấp. Thực tế, có doanh nghiệp chuẩn bị đưa nhà máy mới vào sản xuất, nhưng bối cảnh ngành vẫn đang khó khăn nên nhà máy mới chưa thể giúp doanh nghiệp bước vào chu kỳ tăng trưởng. Nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ, mà mua cổ phiếu theo tâm lý đám đông, thì sẽ đối mặt với nguy cơ giá cổ phiếu sớm “quay đầu”.
Với các nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua, liệu dư địa tăng có còn, đơn cử mã FRT, MWG ở nhóm bán lẻ? Ông Nguyễn Thành Trung nhận định, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp như tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở mới các cửa hàng vẫn đáng để kỳ vọng.
Trên sàn chứng khoán, sau nhịp tăng điểm từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 nhờ tâm lý và dòng tiền được cải thiện, thị trường đang có xu hướng phân hóa theo dự báo kết quả kinh doanh quý I/2025. Những ngành có triển vọng kinh doanh sáng như bất động sản công nghiệp, hóa chất, công nghệ thông tin, ngân hàng, chứng khoán, logistic có thể tiếp tục thu hút dòng tiền. Ngược lại, cổ phiếu của những ngành đã tăng giá đáng kể nhưng chưa có sự cải thiện về kết quả kinh doanh sẽ cần nhịp nghỉ, tích lũy trước khi bắt nhịp với xu hướng chung.
Hoàng Anh