Theo chính quyền Myanmar, tính đến tối 29-3, số người chết vì trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã tăng lên 1.644, trong khi đó gần 3.400 người bị thương và ít nhất 68 người mất tích, theo Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia (MRTV).
Trận động đất đã phá hủy các tòa nhà, làm sập cầu và làm cong vênh đường sá trên khắp Myanmar, trong đó thiệt hại lớn nhất được ghi nhận ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của đất nước này và là nơi sinh sống của hơn 1,7 triệu người.
Tại Thái Lan, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết quốc gia này đã "trở lại trạng thái bình thường” sau khi trận động đất Myanmar làm rung chuyển thủ đô Bangkok, theo đài CNN.
Bà Shinawatra nói rằng chỉ có 1 tòa nhà bị sập ở Bangkok, đồng thời nói thêm rằng tòa nhà đang được xây dựng và không có tòa nhà nào khác ở thủ đô chịu tác động tương tự. Ít nhất 10 người ở Thái Lan đã thiệt mạng do trận động đất.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát ở Mandalay. Ảnh: Sai Aung Main/AFP
Các đoàn cứu trợ nước ngoài đầu tiên đã đến Myanmar để giúp nước này khắc phục hậu quả sau trận động đất kinh hoàng vừa qua.
Khẳng định "tình hữu nghị sâu sắc và lâu dài với Myanmar" sau trận động đất, Trung Quốc cho biết một đội cứu hộ và y tế gồm 37 thành viên là nhóm cứu hộ quốc tế đầu tiên đến Myanmar.
Đội được trang bị 112 bộ máy dò sự sống đầy đủ tính năng, hệ thống cảnh báo sớm động đất, vệ tinh di động, máy bay không người lái và các vật liệu cứu trợ khẩn cấp khác, theo đài CCTV.
Theo người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, Liên Hợp Quốc cũng đã phân bổ một khoản quỹ khẩn cấp trị giá 5 triệu USD cho Myanmar để cứu trợ động đất trong khi xác định các nhu cầu bổ sung và điều phối hoạt động ứng phó.
Theo tờ Global News Light of Myanmar, đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp đầu tiên từ Ấn Độ, bao gồm các đội tìm kiếm cứu nạn và y tế, đã đến Yangon ngày 29-3. Đại sứ Ấn Độ Abhay Thakur đã chuyển lô hàng viện trợ đầu tiên bao gồm đồ dùng cá nhân, gói thực phẩm, túi ngủ, đèn năng lượng mặt trời và đồ dùng nhà bếp.
Hôm 28-3, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã cử 2 máy bay chở nhân viên cứu hộ và bác sĩ đến Myanmar để giúp giải quyết hậu quả của trận động đất tàn khốc.
Lực lượng đặc nhiệm này gồm 120 nhân viên cứu hộ từ đội cứu hộ trên không Tsentrospas và Trung tâm chỉ huy các hoạt động cứu hộ rủi ro cao, cũng như các đội K-9 có kỹ năng tìm kiếm người dưới đống đổ nát, các bác sĩ gây mê và nhà tâm lý học từ Bộ Tình trạng khẩn cấp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả trận động đất Myanmar là "khủng khiếp" và tuyên bố rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Myanmar. "Đây là một trận động đất thực sự tồi tệ và chúng tôi sẽ giúp đỡ. Chúng tôi đã nói chuyện với đất nước này rồi" - ông Trump nói với các phóng viên.
Những nước khác gửi viện trợ cho Myanmar bao gồm Liên minh châu Âu (EU), đã cam kết 2,5 triệu euro (2,7 triệu USD) viện trợ khẩn cấp ban đầu, cũng như Hàn Quốc, Malaysia và Singapore.
VĨNH KHANG