Đồng thuận trong sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới

Đồng thuận trong sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới
5 giờ trướcBài gốc
Sáp nhập bám sát 6 tiêu chí
Thành phố Việt Trì sau sắp xếp giảm từ 20 ĐVHC cấp xã xuống còn 5 ĐVHC cấp xã gồm 4 phường và 1 xã.
Công tác triển khai, thực hiện được Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp tỉnh Phú Thọ tiến hành theo đúng tinh thần Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025 Về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Cử tri huyện Thanh Ba xem danh sách niêm yết lấy ý kiến cử tri (đại diện hộ gia đình) về Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn tỉnh
Đến 21/4, Phú Thọ đã công bố danh sách dự kiến tên gọi của 66 ĐVHC cấp xã mới toàn tỉnh, gồm 7 phường và 59 xã (giảm 141 ĐVHC, bằng 68,12%). Cụ thể: Thành phố Việt Trì từ 20 ĐVHC cấp xã còn 5 ĐVHC cấp xã, gồm 4 phường và 1 xã; huyện Lâm Thao từ 12 ĐVHC cấp xã còn 4 ĐVHC xã; thị xã Phú Thọ từ 9 ĐVHC cấp xã giảm 3 ĐVHC xã; huyện Phù Ninh từ 17 ĐVHC cấp xã còn 5 ĐVHC xã; huyện Thanh Ba từ 19 ĐVHC cấp xã còn 6 ĐVHC xã; huyện Đoan Hùng từ 14 giảm còn 5 ĐVHC xã; huyện Hạ Hòa từ 20 giảm còn 6 ĐVHC xã; huyện Cẩm Khê từ 16 giảm còn 6 ĐVHC xã; huyện Tam Nông từ 12 xuống còn 4 ĐVHC xã; huyện Thanh Thủy từ 11 giảm còn 3 ĐVHC xã; huyện Thanh Sơn từ 23 giảm còn 7 ĐVHC xã; huyện Tân Sơn từ 17 giảm còn 6 ĐVHC xã; huyện Yên Lập từ 17 giảm xuống còn 6 ĐVHC xã.
Các xã Kim Thượng, Xuân Sơn, Xuân Đài (huyện Tân Sơn) sau sắp xếp, sáp nhập dự kiến có tên ĐVHC xã mới là Xuân Đài
Như vậy, việc thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã tại Phú Thọ đã bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp theo yêu cầu cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là xã.
Các tiêu chí để sắp xếp ĐVHC cấp xã bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét gồm: Diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh. Trong đó, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Về trung tâm hành chính và trụ sở làm việc của ĐVHC cấp xã mới đảm bảo vị trí thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giao thông kết nối với các khu vực; không gian phát triển trong tương lai; bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh.
Đối với việc đặt tên cho ĐVHC cấp xã mới, Phú Thọ đã thực hiện theo những căn cứ, định hướng tại Điều 7 của Nghị quyết 76: Đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Phú Thọ cũng chủ trương lấy tên gọi của 13 huyện, thành, thị để làm tên gọi của 13 ĐVHC cấp xã trung tâm; các ĐVHC cấp xã còn lại ưu tiên lấy tên gọi của một trong ĐVHC cấp xã trước sáp nhập để làm tên gọi cho ĐVHC cấp xã mới thành lập.
Thống nhất chủ trương, đồng thuận sắp xếp
Để tiến hành sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã, các địa phương đã thực hiện lấy ý kiến Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn tỉnh về tên gọi của ĐVHC cấp xã mới, dự kiến địa điểm đặt trụ sở của ĐVHC cấp xã mới, lấy đó làm căn cứ tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình sáp nhập.
Đây cũng là cách để người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, quyền tự do dân chủ. Lá phiếu cũng chính là “tiếng nói”, “tiếng lòng” thực tế nhất, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách chính đáng, xác thực nhất.
Tên xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao được thống nhất là tên ĐVHC cấp xã mới khi đưa ra lấy ý kiến Nhân dân sau khi sắp xếp 3 xã Xuân Huy, Tiên Kiên và Xuân Lũng bởi tên gọi này có từ rất lâu đời, tồn tại song hành với làng Dòng - văn hiến, đất học; Lâm Thao - đất lúa, đất văn. Việc đặt tên xã mới là Xuân Lũng chính là kết hợp yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của người dân các địa phương, phù hợp với quy định tại Điều 6, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của UBTVQH nên được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Trần Đức Bình, khu 5, xã Phương Viên, nay đã ngoài 70 tuổi, hằng ngày ông Bình đều chăm chú nghe loa truyền thanh về phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã. Cụ thể xã Hương Xạ, Yên Kỳ và Phương Viên sáp nhập, thành lập xã mới lấy tên Yên Kỳ. Khi được hỏi quan điểm của ông về phương án sáp nhập, ông Bình chia sẻ: “Ở tuổi như tôi chẳng mong gì hơn, tôi luôn ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ mong sao sau sáp nhập người dân luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, gìn giữ những giá trị văn hóa, xây dựng đời sống kinh tế ngày càng phát triển”.
Đến ngày 24/4, 99% cử tri của huyện Thanh Ba đồng tình với Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và có tới 99,6% cử tri nhất trí với Đề án sắp xếp huyện Thanh Ba hiện nay thành 6 ĐVHC cấp xã mới. HĐND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Ba cũng đồng loạt tổ chức kỳ họp để thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã để thống nhất trên địa bàn toàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Kim Chi - TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Ba cho biết: Kết quả của việc lấy ý kiến cử tri cũng chính là thấy được lòng dân. Lòng dân chính là thước đo quan trọng nhất trong mọi chủ trương, đường lối - “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Và việc tôn trọng quyền tự do, dân chủ của Nhân dân cũng là cách để chính quyền địa phương tiếp cận, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của Nhân dân một cách sâu sát, cụ thể nhất.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 21/4, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đã khẳng định: Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương đúng. Việc tổ chức mô hình địa phương 2 cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tuy khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn song việc xây dựng các đề án được Phú Thọ thực hiện theo đúng tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Có thể thấy, sau sáp nhập để hình thành ĐVHC mới, việc xóa đi cái tên nào cũng tạo ra sự nuối tiếc trong lòng người dân, bởi mỗi cái tên đều mang trong mình những câu chuyện từ lúc ra đời và gắn với những biến thiên của lịch sử. Thế nhưng người dân toàn tỉnh đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước bởi đây chính là sự mở đầu, kiến tạo nên những trang sử mới trong đời sống của người dân, của vùng đất và tạo được hồn cốt của làng quê.
Việt Hà
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/dong-thuan-trong-sap-xep-thanh-lap-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-moi-231678.htm