Chỉ số VN-Index có 1 tuần tăng điểm rất tốt và đang dần tiệm cận đến vùng cản lớn 1.300. Trong khi đó, các cổ phiếu bluechip tuần này chỉ chứng kiến đà tăng riêng lẻ, mang tính chất giữ nhịp và định hướng thị trường. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Vùng cản 1.300 điểm vẫn sẽ là thử thách của thị trường trong ngắn hạn - việc tăng và điều chỉnh tích lũy quanh mốc 1.300 điểm có thể diễn ra từ 2 - 5 phiên trước khi thị trường có thể vượt qua, đây có thể là kịch bản dễ xảy ra hơn mặc dù diễn biến tích lũy cần thêm thời gian.
Điểm số có thể chưa kỳ vọng nhiều nhưng nhiều cổ phiếu riêng lẻ có thể vẫn tăng điểm tốt hơn cả so với thị trường chung - nhóm đầu tư công, tài chính, tài nguyên cơ bản, xây dựng, cảng biển có thể có những cổ phiếu ghi nhận sự bứt phá.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường có thể điều chỉnh trong tuần giao dịch tới do TTCK Mỹ đã có chiều hướng tiêu cực trong ngắn hạn và chỉ số VN-Index tiến sát mức kháng cự mạnh 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu chỉ số VN-Index chưa xuyên thủng mức hỗ trợ 1.275 điểm thì nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc và đà tăng sẽ tiếp diễn trong tuần sau đó.
Ông Nguyễn Thế Minh
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Về cơ bản, thị trường vẫn đang trong sóng phục hồi vốn kéo dài từ sau kỳ nghỉ Tết, diễn biến này là một phần của xu thế giằng co trong biên độ 1.250-1.300. Dù đã trải qua 3 tuần giao dịch khá tích cực, nhưng vẫn chưa xuất hiện tín hiệu thực sự mang tính bẻ ngoặt xu thế.
Với việc đã tiến sát biên trên của khung biên độ, áp lực bán nhiều khả năng sẽ gia tăng ở những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, diễn biến tiêu cực từ TTCK toàn cầu có thể thúc đẩy TTCK trong nước bước vào nhịp điều chỉnh trong tuần tới.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Trong tuần qua thanh khoản tiếp tục cải thiện lên mức khoảng 17.000 tỷ đồng/phiên giúp hấp thụ tốt áp lực chốt lãi ngắn hạn và đưa thị trường áp sát kháng cự mạnh 1.300 điểm.
Cùng với việc định giá thị trường đang trở nên hấp dẫn sau mùa công bố BCTC quý IV và đồng USD bắt đầu có dấu hiệu suy yếu trở lại khi giới đầu tư giảm kỳ vọng về quá trình hạ lãi suất của Fed trong cuộc họp chính sách tháng 1, dự báo chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và dao động trong biên độ 1.285 – 1.315 điểm.
Thanh khoản trên thị trường đang nhích tăng, một số CTCK đã nới giá chặn cho vay deal. Chỉ báo này có cho thấy, tiền đã đổ vào tài khoản chứng khoán, theo các ông bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Dòng tiền đã tham gia mạnh hơn - giá trị giao dịch đã tăng hơn so với 2 tuần đầu tiên của tháng kể cả giai đoạn trước tết. Nhiều cổ phiếu ghi nhận thanh khoản tăng mạnh. Các cổ phiếu cơ bản, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản hay chứng khoán, xây lắp ghi nhận mức biến động giá khá tốt. Điều này vẫn đang xác nhận xu hướng đi lên của thị trường giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thông tin đòn bẩy có tác động vào diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, nhưng đây chỉ là một phần tác động. Về xu hướng tỷ lệ cho vay ở các CTCK sẽ có xu hướng tăng dần cả về tỷ lệ cho vay và nới mức chặn do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng khả quan hơn, đặc biệt là nhóm bất động sản khi dòng tiền ở nhóm này cải thiện và rủi ro từ trái phiếu giảm dần từ tín hiệu thị trường bất động sản.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Rõ ràng, với việc thanh khoản cải thiện trong vài tuần trở lại đây, dòng tiền ngắn hạn đã có dấu hiệu chảy vào thị trường. Tuy vậy, mức tăng này mới chỉ là sự khởi đầu, và chưa được như kỳ vọng của tôi, có lẽ chúng ta cần tiếp tục theo dõi tốc độ cải thiện của thanh khoản trong những tuần tiếp theo.
Để thị trường có thể tạo xu thế tích cực hơn, thanh khoản cần tiếp tục tăng khoảng 30-40% so với mức hiện tại.
Ông Dương Hoàng Linh
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Thực tế cho thấy, các deal cho vay tại các CTCK không ảnh hưởng quá lớn đến thanh khoản thị trường trong ngắn hạn do các thành phần tham gia thường có xu hướng hạn chế giao dịch, và thị trường chỉ có nguy cơ đối diện tượng call margin nếu thị giá cổ phiếu giảm về dưới mức giá chặn trong các deal.
Do đó, việc thanh khoản tăng trở lại trong thời gian qua có lẽ đến từ sự dịch chuyển của dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm khi các ngân hàng dù đã tăng mặt bằng lãi suất huy động từ cuối năm ngoái nhưng con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Một trong những thông tin quan trọng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là mục tiêu tăng trưởng kinh tế rất hứa hẹn trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, một trong những yếu tố được kỳ vọng là tín dụng sẽ được bơm mạnh ra nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng là yếu tố nền tảng cho TTCK trong dài hạn. Các yếu tố vĩ mô về lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lạm phát... có khiến dòng tiền tự tin chảy vào thị trường nhiều hơn không?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Nhiều khách hàng từ lâu ít quan tâm đến thị trường đã quay lại - kinh tế vĩ mô khởi sắc, niềm tin nhà đầu tư được cải thiện - thanh khoản toàn thị trường nhiều khả năng sẽ gia tăng nhiều hơn trong giai đoạn tới.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Cơ bản đà tăng của TTCK xuất phát từ hai yếu tố là cơ bản và dòng tiền. Trong đó yếu tố cơ bản nội tại của nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp niêm yết đóng vai trò bệ đỡ cho TTCK. Như có thể thấy năm 2024 với yếu tố vĩ mô vững chắc chỉ số VN-Index đã không có đà giảm kéo dài và biến động trong biên độ từ 1.200 – 1.300 điểm trong thời gian dài.
Bước sang 2025, với mục tiêu tăng trưởng cao, tôi kỳ vọng TTCK sẽ có xúc tác mạnh hơn và TTCK được dự báo sẽ có xu hướng rõ ràng hơn trong năm 2025 thay vì đi ngang kéo như trong năm 2024.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Năm 2025 được cho là năm bản lề, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao sẽ cần sự hỗ trợ của tăng trưởng tín dụng. Việc này chắc chắn sẽ là động lực giúp thị trường cải thiện xu hướng trong trung hạn.
Tôi đặt niềm tin vào một xu thế tích cực của thị trường (có lẽ sẽ bắt đầu từ giữa năm 2025). Khi diễn biến thị trường chuyển biến, hiệu quả lướt sóng được cải thiện sẽ giúp dòng tiền tự tin chảy vào thị trường nhiều hơn.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ đáng kể quá trình hồi phục của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp niêm yết, từ đó giúp định giá của các doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn và thu hút sự tham gia mạnh hơn của dòng tiền.
Tuy vậy dòng tiền dự kiến vẫn sẽ theo dõi diễn biến của tỷ giá trong thời gian tới khi tỷ giá USD/VND hiện nay vẫn đang dao động quanh vùng đỉnh lịch sử tại mốc 25.500.
Ông Lâm Gia Khang
Trong 1-2 tuần qua, khi nhóm VN30 gần như đi ngang thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang cho thấy sự bứt phá. Thực tế trong vòng nửa năm qua, nhóm này gần như không có sóng và khi nhóm cổ phiếu lớn vẫn gặp áp lực. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội và tiềm năng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ở thời điểm hiện tại?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Các chỉ số biến động biên độ vừa phải - nhóm cổ phiếu lớn và các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có nhiều mã tăng giá tốt nhưng có nhiều cổ phiếu lại không. Chính các nhà đầu tư cũng cần lựa chọn bởi vẫn nhiều cổ phiếu tăng giá tốt hơn so với thị trường chung. Tuần tới vẫn sẽ không ít cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng điểm cho dù thị trường giao động mạnh trước điểm cao 1.300 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Hiện nay, tôi đánh giá xu hướng trung hạn của chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps đang trong giai đoạn TĂNG và xu hướng trung hạn rõ ràng hơn cho nên tôi kỳ vọng cơ hội ở hai nhóm cổ phiếu này vẫn còn cao.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vừa qua phần lớn đến từ việc trước đó nhiều cổ phiếu nhóm này đã rơi vào vùng quá bán. Do vậy về bản chất, diễn biến này chủ yếu mang tính hồi phục khi mặt bằng giá hầu hết ở mức thấp.
Trong kịch bản thị trường khởi sắc, để có sự tăng trưởng bền vững sẽ cần có sự trở lại của nhóm cổ phiếu đầu ngành, tôi cho rằng dòng tiền sẽ nhanh chóng quay trở lại nhóm cổ phiếu Bluechips thuộc VN30.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng rất mạnh, nhà đầu tư cần theo dõi mặt bằng định giá và đối chiếu với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong trường hợp thị giá đã tăng quá nhanh khiến định giá cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn, nhà đầu tư tham gia mua vào sẽ đối diện với áp lực chốt lãi mạnh và có nguy cơ dính phải đỉnh ngắn hạn.
Hoàng Anh