Dòng tiền tiếp tục tìm về các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một trong những tuần giao dịch tích cực nhất kể từ đầu năm 2025 đến nay. Sau phiên giảm 3,36 điểm phiên thứ 2 ngày 17/2/2025, VN-Index tăng điểm 4 phiên sau đó, đẩy chỉ số từ 1.272,72 điểm lên 1.296,75 điểm (tăng 24,03 điểm), áp sát ngưỡng cản quan trọng 1.300 điểm.
Dòng tiền chảy vào thị trường cũng được cải thiện mạnh mẽ, khi trung bình mỗi phiên trong tuần qua, thanh khoản đạt 16.332 tỷ đồng, tăng 15% về giá trị so với tuần trước, đồng thời là tuần có thanh khoản cao nhất trong năm 2025.
Trên sàn HOSE, đà tăng của nhóm khoáng sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi dòng tiền vẫn chảy mạnh vào nhiều mã nhóm này.
Trong đó, cổ phiếu YBM của CTCP Khoáng sản công nghiệp Yên Bái là đại diện tăng điểm mới nhất của ngành với 5 phiên tăng trần liên tiếp, là mã tăng mạnh nhất sàn HOSE tuần vừa qua. YBM được thành lập năm 2015, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, chế phiến và kinh doanh các sản phẩm bột đá CaC03.
FCM của CTCP Khoáng sản Fecon tiếp tục có tên trong danh sách 10 mã tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 16,63%. Cổ phiếu này tăng trần liên tiếp 2 phiên 17 và 18/2, tăng lần lượt 2% và 6,73% 2 phiên sau đó. Tuy nhiên đà tăng của FCM bị chặn đứng trong phiên 21/2, khi giảm 6,31% về còn 5.050 đồng/CP.
Các cổ phiếu tăng mạnh khác trong tuần vừa qua của sàn HOSE đều là những cổ phiếu vừa nhà nhỏ, như PIT (35,66%) của CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex, ASP (25,49%) của CTCP Tập đoàn Dầu khí Anpha, TDH (22.55%) của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, PTC (23,64%) của CTCP Đầu tư ICapital, ST8 (22%) của CTCP Tập đoàn ST8.
Ở chiều ngược lại, KPF của CTCP Đầu tư Tài sản Koji là mã giảm điểm mạnh nhất sàn HOSE với 21,47%. KPF giảm mạnh sau quyết định ngày 19/2/2025 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, chuyển cổ phiếu này từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26/2/2025. KPF bị đình chỉ giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên có soát xét quá 6 tháng so với quy định.
Tương tự với sàn HOSE, đà tăng của nhóm khoáng sản vẫn tiếp tục tiếp diễn trên sàn HNX, dẫn đầu bởi mã BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn, dù vậy, dòng tiền có phần phân hóa và đã có những dấu hiệu chốt lời sau nhịp tăng mạnh vừa qua.
Cụ thể, BKC tăng trần cả 5 phiên giao dịch tuần này, nâng tổng số mã tăng trần liên tiếp lên con số 18, đẩy thị giá cổ phiếu này từ 14.400 đồng/CP lên 84.900 đồng/CP, tương ứng mức tăng 483%.
Cổ phiếu NSH của Tập đoàn Nhôm Sông Hồng Shalumi là một trong những gương mặt mới trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần của HNX, khi tăng trần 4/5 phiên vừa qua. Phiên 19/2, NSH tăng trần với thanh khoản hơn 1 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng mạnh so với mức vài chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên những phiên trước đó.
Cổ phiếu MVB của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV cũng có tuần giao dịch tích cực với mức tăng 27,23% trong tuần vừa qua. Dù vậy, đà tăng điểm có phần chậm lại khi trong phiên 21/2, MVB giảm 5,24% về còn 27.100 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, sau nhịp tăng từ 80.000 đồng/CP lên vượt ngưỡng 300.000 đồng/CP trong 2 tháng vừa qua, cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV gặp phải áp lực chốt lời mạnh trong tuần khi giảm 3/5 phiên, với 2 phiên giảm sàn liên tiếp ngày 18-19/2. Phiên 21/2, KSV giảm thêm 8,15% về còn 236.600 đồng/CP.
Tương tự là cổ phiếu HGM của CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang. Trong tuần trước, HGM từng có thời điểm là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán, sau khi tăng trần phiên 13/2 lên 381.100 đồng/CP. HGM gặp phải áp lực chốt lời lớn trong tuần này và phải giảm sàn liên tiếp 2 phiên 18-19/2. Dù vậy, với phiên tăng trần 20/2, đà giảm điểm tuần này của HGM chỉ dừng ở mức 9,93%.
Trên sàn UPCOM, cổ phiếu TNV của CTCP Thống Nhất tiếp tục là mã tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 71,13%. Tuần trước, mã này tăng tròn 100%. Dù vậy, thanh khoản giao dịch của TVN chỉ ở mức vài trăm cho đến vài nghìn đơn vị giao dịch mỗi phiên.
Các mã tăng/giảm điểm mạnh trong tuần vừa qua của sàn UPCOM đều là những cổ phiếu vốn hóa nhỏ với thanh khoản chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên, như MLG (53,33%) của CTCP Chăn nuôi – Mitraco, DNM (50%) của Tổng CTCP Y tế Danameco, DRG (50%) của CTCP Cao su Đắk Lắk,…
Trong số những cổ phiếu tăng mạnh tuần vừa qua, đáng chú ý là LSG của CTCP Bất động sản Sài Gòn Vi Na. LSG kết thúc tuần giao dịch với 2 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy thị giá từ 17.700 đồng/CP của cuối tuần trước lên 24.300 đồng/CP, tương ứng mức tăng 37,29%. Thanh khoản đạt trên dưới 400.000 đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.
Minh Phong