Thị trường chứng khoán đang thể hiện rõ sự tích cực, khi tuần qua (từ 17 - 21/2) đã là tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số VN-Index, cùng với dòng tiền liên tục quay trở lại thị trường. Chỉ số VN-Index đóng cửa tuần ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, áp sát ngưỡng 1.300 điểm.
*Một tuần khởi sắc
Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới không mấy hứng khởi khi áp lực chốt lời khiến chỉ số điều chỉnh nhẹ ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, không mất quá nhiều thời gian để chỉ số lấy lại quán tính tăng điểm. Thị trường tăng một mạch hơn 20 điểm sau đó với 4 phiên tăng điểm liên tiếp.
Dòng tiền bùng nổ mạnh mẽ ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong khi nhóm blue-chips (những cổ phiếu của các công ty lớn, các công ty đầu ngành, ổn định và có uy tín cao trên thị trường) luân phiên tăng điểm giữ nhịp thị trường. Áp lực rung lắc có xu hướng tăng nhẹ trong 2 phiên giao dịch cuối tuần song thị trường vẫn trụ vững nhờ lực cầu mua vào vẫn áp đảo áp lực chốt lời ngắn hạn.
Đóng cửa tuần giao dịch từ 17-21/2, VN-Index ở mức 1.296,75 điểm, tăng 20,67 điểm so với cuối tuần trước, đây là mức gần cao nhất tuần qua. Thanh khoản khớp lệnh bật tăng tuần thứ 4 liên tiếp, vượt 32,3% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch.
Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 730 triệu cổ phiếu (tăng 28,09% so với tuần trước đó), tương đương 16,307 tỷ đồng (tăng 15,09%) về giá trị giao dịch.
Thị trường tuần qua có 15/21 nhóm ngành tăng điểm. Dẫn dắt đà tăng điểm của thị trường và tâm lý giao dịch trong tuần qua là các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp (tăng 5,88%), bảo hiểm (tăng 4,47%), xây dựng (tăng 3,6%), nhựa (tăng 3,34%)...
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Ở chiều ngược lại áp lực điều chỉnh phủ bóng lên một số ngành như hàng tiêu dùng (giảm 3,46%), hàng không (giảm 2,06%), công nghệ viễn thông (giảm 1,99%)...
Khối ngoại có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp trên sàn HOSE, với giá trị giao dịch đạt 979 tỷ đồng. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG (374 tỷ đồng), FPT (277 tỷ đồng), VNM (187 tỷ đồng).
Chuyên gia từ CSI cho rằng, dù chưa chinh phục được mốc 1.300 điểm, nhưng tuần qua là một tuần giao dịch khởi sắc của thị trường chứng khoán.
Sắc xanh hoàn toàn chiếm ưu thế trong tuần qua (15/21 nhóm ngành tăng điểm); trong đó tập trung ở các nhóm ngành vốn hóa lớn và có độ nhạy cao với thị trường như ngân hàng tăng 1, 5%, chứng khoán tăng 3,02%, bất động sản dân cư tăng 3,03%, xây dựng tăng 3,6%, bảo hiểm tăng 4,47%, bất động sản khu công nghiệp tăng 5,88%…
Xét về kỹ thuật, xu hướng tăng điểm tiếp tục được củng cố sau tuần tăng điểm "bùng nổ" cả về biên độ lẫn thanh khoản vừa qua. "Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt mốc tâm lý 1.300 điểm và hướng tới vùng kháng cự 1.307 - 1.327 điểm trong các tuần tới", CSI nhận định
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIREECT (VNDIRECT) cho rằng, đà tăng của thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước và quốc tế.
Cụ thể, những lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ tạm thời “hạ nhiệt” khi chính quyền Mỹ chưa có thêm động thái áp thuế đáng kể nào tiếp theo, kéo theo đà giảm của chỉ số sức mạnh đồng USD (dollar index) về quanh 106,5 điểm.
VNDIRECT cho rằng các quan ngại về rủi ro tỷ giá đã phản ánh “phần lớn” vào giá và thị trường đang dần chuyển hướng sang các câu chuyện khác thời sự hơn như mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và các quyết sách sắp tới của Chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế.
Tuần qua, Quốc hội đã chính thức thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là từ 8% trở lên. Đây là mục tiêu rất tham vọng, do đó VNDIRECT kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ sớm đưa ra những chính sách quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này, bao gồm cả mở rộng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Cuối tuần qua cũng xuất hiện thông tin quan trọng liên quan tới nhóm cổ phiếu thép khi Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT, áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Mức thuế này dao động từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày 8/3/2025. Thông tin này theo VNDIRECT sẽ có tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt là HPG.
Với những diễn biến hiện tại, VNDIRECT cho rằng chỉ số VN-Index có thể tiếp tục vận động hướng lên và thử thách ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm trong tuần tới.
Thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc tại vùng này khi một bộ phận nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy vậy, VNDIRECT cho rằng xác suất thị trường vượt 1.300 điểm đã tăng lên đáng kể và nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp chỉnh ngắn hạn nếu có để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên những doanh nghiệp trong những ngành đang có câu chuyện hỗ trợ như đầu tư công, vật liệu xây dựng, ngân hàng, bất động sản nhà ở và chứng khoán.
heo Công ty cô phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên hỗ trợ quanh 1.280 điểm, hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Đây là vùng đỉnh giá tháng 8/2022 cũng như vùng đỉnh năm 2024 và là cạnh trên của kênh tích lũy trung hạn đang kéo dài hiện nay.
"Ở thời điểm hiện tại nên chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy kéo dài hiện nay. Với những diễn biến khá tích cực về xu hướng, thanh khoản tăng dần đều trong những tuần qua, VN-Index có triển vọng sẽ vượt lên vùng kháng cự 1.300 điểm", SHS nhìn nhận.
Theo SHS, thị trường có 5 tuần tăng điểm với khối lượng giao dịch tăng dần. Diễn biến giao dịch khá sôi động, luân chuyển giữa các nhóm ngành. Đây là nhịp tăng giá khá tích cực với thanh khoản tăng dần, thể hiện dòng tiền và tâm lý thị trường cải thiện.
SHS cho rằng thanh khoản trên HOSE vẫn dưới mức trung bình 18.760 tỷ đồng/phiên của năm 2024. Do đó, để VN-Index có thể vượt được vùng kháng cự rất mạnh cần động lực tăng trưởng tốt của doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản là 2 nhóm có tỷ lệ vốn hóa cao trên thị trường hiện nay, cũng như thanh khoản thị trường cần tiếp tục cải thiện, vượt mức trung bình của năm 2024.
Dù vậy, chuyên gia SHS nhận định, chất lượng thị trường vẫn đang cải thiện tích cực, phân hóa tốt dựa vào các yếu tố cơ bản và kỳ vọng tăng trưởng trung dài hạn.
Thực tế, những chuyển động của thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy sự tích cực, giữa lúc thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới đi xuống.
*Dow Jones ghi nhận mức giảm theo tuần mạnh nhất trong bốn tháng
Phiên giao dịch cuối tuần 21/2, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, nối dài đà bán tháo sau các báo cáo kinh tế ảm đạm.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong tuần qua, trong đó chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 10/2024, khép lại một tuần giao dịch với những lo ngại về mối đe dọa thuế quan mới và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVNphát
Phiên giao dịch cuối tuần 21/2, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, nối dài đà bán tháo sau các báo cáo kinh tế ảm đạm. Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,69% xuống 43.428,02 điểm. Đây là mức đóng phiên thấp nhất của chỉ số này kể từ ngày 16/1, trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.
Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng mất 1,71% xuống 6.013,13 điểm. Mức giảm trong phiên này là lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm của cả Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 18/12/2024, theo Dow Jones Market Data. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 2,2% xuống 19.524,01 điểm.
Theo ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của công ty dữ liệu tài chính S&P Global, các doanh nghiệp Mỹ không còn lạc quan về triển vọng kinh tế nữa và điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng, dẫn đến sự biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. Tình trạng bất ổn và biến động thị trường này sẽ kéo dài ít nhất đến cuối tháng Ba.
Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ sớm công bố các mức thuế mới đối với gỗ và những sản phẩm lâm nghiệp, bên cạnh các kế hoạch đã được công bố trước đó về việc áp thuế đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN