Đột quỵ không còn là bệnh của người già

Đột quỵ không còn là bệnh của người già
7 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân sau can thiệp mạch máu não. Ảnh: BV 108.
Khi người trẻ không còn “miễn nhiễm” với đột quỵ
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TPHCM) cho biết, Khoa Nội Thần kinh của cơ sở y tế này đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 33 tuổi, được đưa đến cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người trái và nói khó. Trước đó, anh đang làm việc bình thường trên công trình thì bất ngờ ngã quỵ trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. May mắn, bệnh nhân nhập viện trong khung “giờ vàng” nên được chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp CT. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục tốt, có thể đi lại, sinh hoạt và nói chuyện bình thường.
Không phải ai cũng may mắn như vậy. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, những ca bệnh đột quỵ trẻ tuổi đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Có bệnh nhân chỉ mới 36 tuổi, phát hiện chậm sau hơn nửa ngày từ lúc có biểu hiện đau đầu, khó nói, yếu nửa người phải. Khi nhập viện, tổn thương đã nặng, không thể can thiệp bằng kỹ thuật đặc hiệu, buộc phải điều trị nội khoa kéo dài với khả năng phục hồi rất hạn chế.
Số liệu từ các bệnh viện đầu ngành như Trung ương Quân đội 108 cũng cho thấy tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ đang tăng nhanh. Tại Khoa Can thiệp mạch thần kinh của đơn vị này, bệnh nhân dưới 50 tuổi chiếm tới 20-30% tổng số ca điều trị đột quỵ. Có bệnh nhân mới 12 tuổi đã bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não bẩm sinh.
Theo BS Phạm Văn Cường - Khoa Can thiệp mạch thần kinh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là bệnh của người trên 60 tuổi. Nhưng thực tế, số bệnh nhân trẻ nhập viện vì đột quỵ đang ngày càng tăng, trong đó không ít người còn rất khỏe mạnh về thể chất, không có tiền sử rõ ràng về huyết áp hay tim mạch.
Các chuyên gia phân tích, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Nhóm thứ nhất là yếu tố bệnh lý như dị dạng mạch máu não, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim... Nhóm thứ hai - phổ biến hơn - là các yếu tố liên quan đến lối sống hiện đại: thức khuya, căng thẳng kéo dài, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều thức ăn nhanh, ít vận động, béo phì, tăng huyết áp nhưng không phát hiện. Những thói quen tưởng như vô hại này khiến nguy cơ đột quỵ tích tụ âm thầm mà ít người chú ý.
Sống khỏe để phòng ngừa bệnh tật
Với người trẻ, di chứng sau đột quỵ không chỉ là liệt nửa người, nói ngọng hay rối loạn trí nhớ mà còn là mất đi vai trò trụ cột khi tương lai phía trước còn rất dài. Trường hợp bệnh nhân 33 tuổi được điều trị thành công tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á ở trên là một minh chứng rõ rệt. Sau một tuần, người bệnh có thể đi lại và nói chuyện bình thường. Tuy vậy, bác sĩ vẫn yêu cầu tạm dừng lao động tay chân nặng nhọc, tái khám định kỳ và duy trì dùng thuốc để ngăn tái phát. Việc trở lại công trường - với nhịp độ công việc gấp gáp và cường độ cao - là điều chưa thể thực hiện ngay.
Không ít trường hợp khác nhập viện trong tình trạng nặng do trì hoãn điều trị đã để lại hậu quả lâu dài: liệt vĩnh viễn nửa người, phải ngồi xe lăn, mất khả năng giao tiếp hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào người thân trong sinh hoạt. Với những người đang trong độ tuổi lao động, hậu quả này nghiêm trọng hơn nhiều so với người cao tuổi - cả về chi phí điều trị, mất thu nhập, lẫn sức ép tâm lý.
Đáng chú ý, nhiều người trẻ và cả người nhà của họ vẫn chưa có kiến thức đúng về cách nhận biết và xử trí sớm. Theo BS Phạm Văn Cường, dấu hiệu đột quỵ có thể khởi phát rất nhẹ: tê bì một bên mặt, méo miệng, nói khó, yếu tay chân thoáng qua. Nếu không để ý hoặc nhầm với các bệnh thông thường như cảm cúm, liệt dây thần kinh số 7, người bệnh có thể mất “giờ vàng” để cứu não.
Bên cạnh nhận biết sớm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của phòng ngừa chủ động - điều mà người trẻ thường xem nhẹ. Khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp, xét nghiệm mỡ máu, tầm soát tim mạch cần được thực hiện định kỳ kể từ tuổi 30, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, béo phì, ít vận động hoặc có tiền sử gia đình bị đột quỵ.
Một người khỏe mạnh không đồng nghĩa với một người an toàn trước đột quỵ. Cuộc sống hiện đại, cùng với áp lực công việc, thời gian biểu đảo lộn, thói quen ăn nhanh - ngủ muộn - làm việc căng thẳng đã khiến giới trẻ bị đẩy vào vùng nguy cơ mà không hay biết. Và đôi khi, một cơn chóng mặt thoáng qua có thể là tín hiệu cuối cùng trước khi não bị tổn thương không hồi phục.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dot-quy-khong-con-la-benh-cua-nguoi-gia-10310480.html