Tuyến đường sắt tốc độ cao dược đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km. Ảnh tư liệu
PV: Thưa đại biểu, một trong những nội dung quan trọng Quốc hội sẽ quyết định tại Kỳ họp thứ 8 này là chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đại biểu đánh giá thế nào về dự án này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Câu chuyện đường sắt tốc độ cao không phải bây giờ chúng ta mới nói đến. Người dân đã mong chờ và chúng ta đã tính đến dự án này từ lâu, tuy nhiên thời điểm đó chưa có đủ điều kiện. Đây là loại hình giao thông hiện đại, văn minh mà thế giới đã có từ lâu. Đường sắt tốc độ cao không chỉ giúp người dân đi lại tiện lợi, tiết kiệm thời gian mà còn mở ra những không gian phát triển mới. Dù vậy, giấc mơ vẫn là giấc mơ.
Nhưng hiện nay, chúng ta đã có đủ tiềm lực, có dư địa về ngân sách, dư địa nợ công và có nền tảng cơ bản để triển khai dự án này. Chúng ta cũng đã có đủ nền tảng khoa học công nghệ học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong việc triển khai dự án và có sự mong đợi của nhân dân, nên chúng ta phải tập trung làm và làm cho được. Dự án đang nhận được sự đồng thuận rất lớn của các đại biểu Quốc hội, của cử tri, nhân dân.
PV: Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là nguồn lực đầu tư khi dự án đòi hỏi số vốn rất lớn, bài toán hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính liệu có đảm bảo. Ông nghĩ sao về điều này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Về nguồn lực thì tôi cho rằng không quá lo bởi các chỉ tiêu nợ công hiện đang được kiểm soát tốt, dưới ngưỡng an toàn rất xa. Do đó, chúng ta có khả năng huy động được nguồn lực lớn để đầu tư.
Vấn đề là chúng ta nên cố gắng tập trung để làm nhanh, tránh kéo dài. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm các nước để chọn được công nghệ phù hợp nhất. Với điều kiện đất nước thường xảy ra bão lũ, hệ thống đường sắt cần được đảm bảo yếu tố an toàn ở mức cao nhất và chi phí có thể tăng lên.
Hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh không nên đặt bài toán hiệu quả kinh tế ở đây, mà phải tính bài toán hiệu quả xã hội. Đó là đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, giảm chi phí vận tải, từ đó mở ra nhiều lợi ích mới, mở ra không gian phát triển mới ở các khu vực.
Chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào tiền vé là bao nhiêu, có bù đắp được đầu tư hay không, mà nên chú ý đến dự án này sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mang lại sự tiện lợi cho việc đi lại của người dân, hoạt động vận chuyển hàng hóa, thu hút khách du lịch. Dự án đường sắt này đi qua 20 tỉnh, thành sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế ở các địa bàn đó. Các địa phương ở vùng sâu, vùng xa mà có những tuyến nhà ga khi tuyến đường sắt này đi qua sẽ rất thuận lợi cho việc đi lại, hỗ trợ và nâng cao được năng lực cạnh tranh, thu hút được du lịch trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là dự án này sẽ mở sự phát triển của một loạt TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Với các nhà ga mới được phát triển, nguồn thu từ bất động sản, du lịch, thương mại dịch vụ cả khu vực đó cũng tăng theo.
Tóm lại, hiệu quả của dự án chính là ở sự lan tỏa, nuôi dưỡng các nguồn thu khác chứ không phải thu trực tiếp từ dự án này.
PV: Đó là những lợi ích lâu dài trong tương lai. Còn trước mắt, khi bắt tay triển khai dự án, theo ông đâu là những vấn đề cần tập trung?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, chúng ta phải tránh việc đầu tư dàn trải, kéo dài, đội vốn, phải đầu tư đến đâu hoàn thành đến đó theo từng bước và ưu tiên an toàn hơn là giảm chi phí.
Để đảm bảo đúng tiến độ, có thể chúng ta phải chấp nhận tốn kém, đầu tư đầy đủ để đảm bảo chất lượng công trình. Trong đó, lưu ý về các đặc điểm của tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai…; quan tâm đến hệ thống kết nối đồng bộ giữa đường sắt tốc độ cao và hệ thống giao thông công cộng cũng như các tuyến đường sắt khác. Ví dụ, các trạm TOD có thể xa các khu đô thị nhưng cần có kết nối hệ thống giao thông thuận tiện chứ không nhất thiết phải gần khu dân cư. Chính phủ cũng cần phải tính toán cụ thể việc giải phóng mặt bằng và đảm bảo sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi khi dự án đi qua hơn 20 tỉnh, thành phố.
Mặt khác, trong quá trình triển khai đường sắt tốc độ cao thì chúng ta có thể phải mua công nghệ, thậm chí các nhà thầu hiện nay chắc chắn là các nhà thầu nước ngoài. Vậy thì phải có những ràng buộc để làm sao kết nối với các đơn vị ở trong nước. Các doanh nghiệp trong nước có thể kết nối với các nhà thầu quốc tế để thi công công trình này cũng như làm công nghệ phụ liệu, vật liệu. Những nguyên vật liệu mà Việt Nam có thì phải ràng buộc trong hợp đồng là đơn vị phải sử dụng nguyên vật liệu đó để tránh phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Cùng với đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đường sắt.
Ngoài ra, đối với các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh không quá lớn trong quá trình triển khai, Quốc hội nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất cho quá trình thi công.
PV: Xin cảm ơn đại biểu!
Nhiều yếu tố thuận lợi để dự án khả thi
Để đảm bảo tiến độ đến năm 2035 đưa vào vận hành, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta có quyết tâm chính trị, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là thể chế, cơ chế để thực hiện. Chúng ta có nhiều thuận lợi, đó là trình độ xây dựng của Việt Nam đã được chứng minh qua quá trình xây dựng nhiều công trình, cây cầu có quy mô lớn; nợ công đã giảm xuống; Việt Nam đã thăng hạng trong bảng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, nên có thể vay với lãi suất thấp… nên việc triển khai dự án sẽ đảm bảo tính khả thi.
Hoàng Yến