Phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trước đó, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ tám, sáng 13/11, nội dung này đã được Quốc hội thảo luận tại tổ với 117 lượt ý kiến phát biểu.
Báo cáo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội cho biết, trong 117 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, có 101 ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; việc đầu tư Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.
Có ý kiến cho rằng, trước kia người Pháp đã chọn Việt Nam để xây dựng hệ thống đường sắt đầu tiên cách đây khoảng 130 năm vì Việt Nam có tiềm năng phát triển nhanh nhất trong khu vực; hiện nay, Trung Quốc đang muốn xây dựng hệ thống đường sắt liên thông từ Trung Quốc qua Việt Nam để giao lưu kinh tế, do đó, Dự án này rất cần thiết và không thể chậm hơn nữa.
Ngoài ra, có vị đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ nội dung Quốc hội quyết định, bảo đảm có thể thực hiện trong suốt quá trình triển khai Dự án, tránh việc phải trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần.
Do đó, đề nghị những điểm mang tính "khoảng" (chiều dài khoảng 1.541km; tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 64,37 tỷ USD… - PV) cũng xác định một mức tương đối, cho phép Chính phủ trong quá trình triển khai được điều chỉnh với tỷ lệ dung sai bao nhiêu phần trăm thì có thể chủ động triển khai thực hiện và báo cáo lại Quốc hội mà không phải xin Quốc hội điều chỉnh.
Ý kiến này cũng đề nghị nội dung chỉ đề cập một câu mang tính mục tiêu, mục đích, định hướng đến kết quả đầu ra, không đi quá sâu vào những vấn đề mang tính kỹ thuật. Qua theo dõi trên dư luận, báo chí thì các vấn đề liên quan đến công nghệ, tốc độ, địa điểm đặt ga, tuyến đầu, tuyến cuối hoặc số lượng các ga cũng còn có những ý kiến khác nhau và trong quá trình thực hiện 10 năm (từ nay đến năm 2035), với các phát triển của khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội thì những nội dung này có thể có những điều chỉnh. Nếu ghi quá chi tiết trong nghị quyết của Quốc hội sẽ ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện sau này của Chính phủ, cũng như của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan.
Việc kiểm soát của Quốc hội hoàn toàn có thể thực hiện được mà không nhất thiết phải ghi quá chi tiết về những nội dung mang tính kỹ thuật. Cùng với việc giao quyền cho Chính phủ, cần phải tăng cường cơ chế về kiểm soát, giám sát, cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Quốc hội có thể yêu cầu báo cáo định kỳ, báo cáo khi hoàn thành, báo cáo bất kỳ thời điểm nào Quốc hội thấy cần thiết và thông qua việc giám sát đó, Quốc hội có thể truyền tải những thông điệp, những yêu cầu đối với việc triển khai Dự án mà không nhất thiết cứ phải ghi nhận trong Nghị quyết hoặc cứ liên tục phải sửa Nghị quyết - vị này nêu quan điểm.
Về hình thức đầu tư, theo báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội, có 5 ý kiến thể hiện tán thành đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công.
Theo đại biểu Quốc hội, đối với một dự án mang tầm chiến lược quốc gia, có tính bền vững cao và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thì việc lựa chọn đầu tư công sẽ đảm bảo tính bền vững hơn, đồng thời quản lý hiệu quả hơn các vấn đề liên quan đến vận hành sau này. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư công cho phép Chính phủ chủ động hơn trong tính toán, vận hành, khai thác và phục vụ cho các mục đích khác.
Có ý kiến cho rằng, lực lượng doanh nghiệp tư nhân hiện nay rất mạnh, có khả năng thuê chuyên gia và thi công từ cả trong và ngoài nước; giao dự án cho tư nhân có lợi hơn, vì Chính phủ có thể khoán chi phí cụ thể và đảm bảo thanh toán đúng hạn, tạo sự sòng phẳng, rõ ràng; tư nhân có động lực để hoàn thành công việc hiệu quả, tránh được các vấn đề tiêu cực thường thấy khi giao cho tập đoàn kinh tế nhà nước, Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội nêu.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án, có 5 vị đại biểu đề nghị cần rà soát, tính toán thận trọng hơn, đồng thời phân tích các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện giải pháp phù hợp. Vị khác đề nghị tính toán hiệu quả kinh tế, nhu cầu sử dụng và khả năng bù lỗ, vì Dự án này có thể phải bổ sung nguồn vốn thường xuyên như ngành điện lực hiện nay.
Liên quan đến tổng mức đầu tư sơ bộ, đại biểu dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tổng vốn đến khoảng 49% tổng vốn đầu tư công trong một năm, vượt so với quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công. Vì thế, ý kiến này cho rằng cần phải cân nhắc kỹ để có những giải pháp phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế. Một số vị đại biểu đề nghị đánh giá rủi ro về vấn đề đội vốn, tăng vốn, phát sinh, cần có cam kết không tăng tổng mức đầu tư Dự án.
Đại biểu Quốc hội cũng góp ý, cần có các giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, như huy động trái phiếu Chính phủ và quản lý vốn hiệu quả cùng với các chính sách bảo vệ tài chính quốc gia nhằm tránh các tác động tiêu cực đến ngân sách và nợ công. Ngoài ra, đề nghị phải tính toán kỹ hơn và cân đối lại khi toàn bộ nền kinh tế đang phải đối mặt với các trở ngại về kinh phí đối với các siêu dự án.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngân sách nước ta trong thời gian qua và những năm tới vẫn là bội chi, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ. Do vậy, việc cân đối tổng thể ngân sách cần được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào sáng 30/11, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ tám.
Nguyễn Lê