Nguồn: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồ họa: Phương Anh
Công trình biểu tượng cho kỷ nguyên phát triển mới
Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.
Dự án bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200 - 500 ha; 5 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
Hướng tuyến dự án được nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể”, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch của địa phương; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực đông dân cư; bảo đảm liên kết các hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng thời gian trước đây đất nước chưa có điều kiện xây dựng, nhưng hiện nay đã có đủ tiềm lực, có dư địa về ngân sách, dư địa nợ công và có nền tảng cơ bản để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bên cạnh đó, nền tảng khoa học công nghệ, học hỏi kinh nghiệm từ các nước nên cần tập trung làm và làm cho được.
Theo các đại biểu sau khi hoàn thành dự án sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển, tạo ra những điều kiện tiền đề, nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Chúng ta cứ hình dung là con tàu cao tốc này như một con rồng thiêng mà hiện thân để đất nước của chúng ta như Tổng Bí thư nói là: chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - Thượng tọa Thích Đức Thiện, đại biểu đoàn Điện Biên phát biểu.
Tìm lời giải hài hòa cho các bài toán kinh tế, tài chính
Bên cạnh việc nhất trí cao với chủ trương đầu tư dự án, vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là nguồn vốn. Theo đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre), nguồn vốn dự kiến là 67 tỷ USD thực hiện trong 8 năm. Như vậy, nguồn vốn này trong 8 năm nữa liệu có phát sinh không và nếu phát sinh mức độ dự báo được cỡ nào và xử lý như thế nào. Mặc dù chúng ta có phân kỳ đầu tư từng năm nhưng phân kỳ trả nợ cũng là vấn đề lớn. Nhà nước đầu tư hoàn toàn hay có cho phép kêu gọi các thành phần kinh tế khác tham gia không, lo lắng, nhất là đội vốn hay không?
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho biết, hiện tổng vốn của chúng ta bằng khoảng 49% tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021 - 2025, như vậy đã vượt so với quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019.
Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này vì với quy định như vậy, chúng ta đã xác định được mức rủi ro của nền kinh tế. Nếu vượt qua mức độ rủi ro thì cần phân tích để có giải pháp phòng ngừa tất cả các rủi ro, bất ngờ có thể xảy ra cho nền kinh tế. Đồng thời, cần cân nhắc kỹ về chi phí vận hành để có thể đáp ứng được, bởi qua các báo cáo nghiên cứu cho thấy, chi phí cho nguồn điện để vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao là tương đối lớn.
Về kỹ thuật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần giải thích rõ phương án tải trọng trục vì hiện đang quy định ở mức rất cao là 22,5 tấn trong khi đó các đường sắt tốc độ cao trên thế giới hiện nay chủ yếu tải trọng trục là 17 tấn. Đại biểu đề xuất phương án tốt nhất là nâng cấp đường sắt cũ để chở hàng, còn đường sắt tốc độ cao này chỉ chở khách để giảm chi phí.
Cho rằng đây là thời điểm phù hợp, chín muồi để đầu tư dự án, song đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) lưu ý cần có lộ trình cụ thể đầu tư cho dự án. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu lãng phí, đảm bảo an toàn cân đối nền kinh tế, giải quyết hài hòa các bài toán kinh tế khác, tránh quá chú trọng đến dự án này mà làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế.
Về công nghệ, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị Chính phủ nghiên cứu vấn đề này để không lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ của nước ngoài, lựa chọn nhà thầu vừa có uy tín vừa có kinh nghiệm, tránh trường hợp rơi vào bẫy nợ. Đồng thời, đại biểu đề xuất kí kết với đối tác theo hướng đầu tư và chuyển giao công nghệ là tốt nhất, từ đó chúng ta có kinh nghiệm và chủ động về công nghệ.
Xem xét thận trọng về khả năng cân đối nguồn lực
Chính phủ cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Theo Ủy ban Kinh tế, so với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương (NSTW), sơ bộ tổng mức đầu tư dự án bằng 114% tổng vốn đầu tư công trung hạn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, cụ thể.
Trong đó, cơ quan thẩm tra lưu ý, tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thể hiện rõ về phân kỳ đầu tư, dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn. Đây là nội dung quan trọng cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng phương án bố trí vốn bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, theo báo cáo, sau thời gian dự kiến hoàn thành của dự án (năm 2035), từ năm 2036 đến năm 2066, chi phí vận hành và bảo trì dự án hàng năm đều ở mức trên 25.000 tỷ đồng và chưa rõ phương án chi trả.
Hoàng Yến