Giàn khoan bán chìm Transocean Barents đang neo đậu tại cảng Constanta, Romania. Ảnh Reuters
Thuộc sở hữu chung của tập đoàn dầu khí OMV Petrom và Romgaz thuộc sở hữu nhà nước của Romania, mỏ Neptun Deep ước tính chứa 100 tỷ m3 khí đốt có thể khai thác được. OMV Petrom do OMV của Áo kiểm soát phần lớn.
Bộ Năng lượng Romani cho biết mỏ Neptun Deep sẽ tăng gấp đôi sản lượng khí đốt của Romania, và có khả năng biến nước này thành nước xuất khẩu ròng vào thời điểm Liên minh châu Âu đang dần “cai nghiện” khí đốt của Nga.
Mặc dù dự án có thể giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt ở Trung và Đông Âu, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu khí đốt mới có thể xuất khẩu vì mức tiêu thụ trong nước của Romania sẽ tăng, trong khi đó trữ lượng trên bờ của họ lại giảm.
Romania hiện khai thác hơn 9 tỷ mét khối mỗi năm và mức tiêu thụ chỉ dưới 10 tỷ. Nhưng mức tiêu thụ khí đốt của nước này sẽ tăng lên khi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt có công suất 3,5 gigawatt dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030, đông thời họ cũng dần loại bỏ than.
Bộ năng lượng Romania ước tính mức tiêu thụ khí đốt hằng năm sẽ tăng trung bình 25% trong giai đoạn 2025-2030 so với mức năm 2023, ông Sorin Elisei, Giám đốc bộ phụ trách chiến lược năng lượng của Bộ này, nói với Reuters.
"Mặt khác, chúng tôi ước tính sản lượng trong nước sẽ tăng ít nhất 75% từ năm 2027, nghĩa là sẽ có đủ số lượng để xuất khẩu, đáp ứng mục tiêu chiến lược đưa Romania trở thành nhà cung cấp an ninh năng lượng trong khu vực", ông Elisei cho biết.
Eugenia Gusilov, một nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Năng lượng Romania, cho biết thị trường địa phương không thể hấp thụ hết lượng khí đốt mới dự kiến, đồng thời nói thêm rằng thặng dư xuất khẩu tiềm năng có thể là "ít nhất 4 tỷ mét khối, nếu không muốn nói là 5 tỷ".
"Đây không phải là khối lượng lớn, nhưng bất kỳ tỷ mét khối khí đốt nào cũng có ý nghĩa đối với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp ở khu vực này của châu Âu."
Yến Anh
Reuters