Một cơ sở năng lượng của Nga. Ảnh: TASS
Một cuộc điều tra chung do Đài phát thanh châu Âu (RFE/RL) và Frontelligence Insight thực hiện và công bố ngày 29/3 chỉ ra rằng các cuộc không kích của Ukraine nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga đã gây thiệt hại ít nhất 60 tỷ rúp (tương đương 714 triệu đô la Mỹ).
Phạm vi tấn công tầm xa của Ukraine
Trong thời gian qua, dù các cuộc tấn công thường nhắm vào các mục tiêu gần biên giới Nga - Ukraine, nhưng tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Kiev đã vươn xa tới thủ đô Moskva (cách biên giới Ukraine 450km), căn cứ không quân Engels ở vùng Saratov (cách tiền tuyến 600km), và thậm chí đến Izhevsk (cách khoảng 1.300km).
Tháng 9/2024 là thời điểm Ukraine đạt hiệu quả cao nhất trong các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga. Hai kho đạn dược lớn tại Toropets và Tikhoretsk đã bị phá hủy. Theo Frontelligence Insight, hai cơ sở này đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp đạn pháo, tên lửa và đạn dược cho quân đội Nga.
Ước tính lượng đạn dược bị phá hủy trong cuộc tấn công vào Toropets dao động từ 30.000 đến 160.000 tấn, gây tổn thất lớn với hậu cần và chuỗi cung ứng cho tiền tuyến của Nga.
Tuy nhiên, không phải mọi cuộc tấn công đều thành công. Theo đánh giá của Frontelligence, hơn một nửa số cuộc tấn công được ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 9/2024 đến 12/2/2025 không gây ra tác động đáng kể đến các mục tiêu.
Nhà phân tích quân sự Michael Kofman tại Mỹ nhận định: "Các cuộc tấn công tầm xa là một phần quan trọng, ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của lực lượng Nga, nhưng bản thân chúng không mang tính quyết định".
Chuyển hướng sang tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng
Gần đây, Ukraine đã chuyển trọng tâm từ việc tấn công các cơ sở quân sự sang nhắm vào các nhà máy lọc dầu, khí đốt và cơ sở lưu trữ. Các cơ sở lưu trữ dầu và khí đốt, nhà máy lọc dầu và trạm bơm đã bị tấn công thành công 27 lần từ tháng 9/2024 đến giữa tháng 2/2025.
Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy 97 bồn chứa dầu bị phá hủy hoặc hư hại trong khoảng thời gian này. Tùy thuộc vào mức độ nhiên liệu của các bồn chứa và giá dầu thô Ural, thiệt hại có thể dao động từ 38 triệu đến gần 100 triệu USD.
Cuộc tấn công gây thiệt hại lớn nhất diễn ra vào ngày 7/10/2024 khi 11 thùng chứa với tổng thể tích 69.000 mét khối bị phá hủy tại một kho dầu ở Feodosia, Crimea. Thiệt hại kinh tế tối đa có thể vượt quá 3,3 tỷ rúp (39 triệu USD).
Đáng chú ý là phần lớn các bồn chứa bị hư hỏng không được thay thế hoặc sửa chữa. Theo phân tích hình ảnh vệ tinh, chỉ có một trong số 16 bồn chứa bị trúng đạn từ 1/9/2024 đến 15/1/2025 được khôi phục.
Trong 6 tháng qua, thiệt hại đối với các nhà máy lọc dầu và địa điểm lưu trữ của Nga có thể lên tới 59,4 tỷ rúp (707 triệu USD). Nếu tính cả thiệt hại tại nhà máy lọc khí Astrakhan của Gazprom (cần 3-6 tháng để sửa chữa), tổng thiệt hại có thể đạt 77,9 tỷ rúp (927 triệu USD).
Con số này tuy đáng kể nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập từ xuất khẩu dầu của Nga, ước tính đạt 189 tỷ USD trong năm 2024 theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Kỹ sư hóa chất Will Thiel nhận định: "Các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga hiệu quả hơn nhiều so với các cuộc tấn công ngược lại. Dòng tiền từ dầu mỏ là rất quan trọng đối với Nga và các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu và trung tâm xuất khẩu đã có hiệu quả về mặt tài chính".
Tuy nhiên, theo nguồn tin NATO được Reuters trích dẫn, các cuộc tấn công của Ukraine đã làm giảm 15% công suất của các nhà máy lọc dầu Nga, buộc chính phủ Nga phải áp dụng lệnh cấm xuất khẩu xăng vào tháng 3/2024 để bảo vệ thị trường trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc lượng xăng sản xuất chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nội địa, trong khi trước đó (năm 2023), 13% xăng của Nga được xuất khẩu.
Vào ngày 18/3 vừa qua, Nga đồng ý ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong 30 ngày và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đáp lại bằng cam kết tương tự vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn tiếp tục có những cuộc tấn công sau thỏa thuận này.
Các chuyên gia được RFE/RL phỏng vấn cho rằng, ngay cả khi lệnh ngừng bắn được tuân thủ trong một tháng, thời gian này vẫn không đủ để Nga khắc phục toàn bộ thiệt hại. Nhiều ý kiến cho rằng lệnh ngừng bắn có lợi cho Nga hơn Ukraine.
Các nhà phân tích từ Frontelligence Insight dự đoán rằng nếu lệnh ngừng bắn không thành công, số lượng và hiệu quả của các cuộc không kích từ Ukraine vào cơ sở năng lượng và quân sự Nga có thể tăng lên, đặc biệt khi Kiev đang tăng cường sản xuất UAV tầm xa có chất lượng được đánh giá cao.
Phản ứng từ Nga
Hãng thông tấn TASS ngàỳ 28/3 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng, Ukraine vẫn đang tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga bằng nhiều loại thiết bị bay không người lái (UAV) và hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS.
Cụ thể, vào khoảng 10 giờ 20 sáng giờ Moskva ngày 28/3, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa HIMARS vào trạm đo khí đốt Sudzha. Điều này dẫn đến một đám cháy lớn, cơ sở năng lượng gần như bị phá hủy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Pháp, Anh đã hỗ trợ Ukraine tấn công trạm đo khí đốt Sudzha. Theo bà Zakharova, việc chỉ đạo và nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công được thực hiện bằng hệ thống vệ tinh của Pháp, trong khi các chuyên gia Anh cung cấp thông tin tọa độ và thực hiện vụ phóng.
Trước đó vào ngày 22/3, TASS cho biết Ukraine đã thực hiện hai cuộc tấn công bằng UAV vào trạm phân phối khí đốt Valuika tại khu định cư Shvedunovka ở vùng biên giới Belgorod của Nga. Một ngày sau, lực lượng phòng không Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào mỏ khí ngưng tụ Glebovskoye ở Crimea. Và vào sáng sớm ngày 24/3, Kiev đã cố gắng thực hiện một cuộc tấn công bằng UAV vào trạm bơm dầu Kropotkinskaya, theo Bộ Quốc phòng Nga.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ trong một tuyên bố: "Tất cả các tuyên bố công khai của Ukraine về việc ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự của Nga thực chất là một âm mưu khác từ Kiev nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của mặt trận Ukraine và khôi phục tiềm lực quân sự của nước này với sự giúp đỡ của các đồng minh châu Âu".
Vũ Thanh/Báo Tin tức