Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều chính sách mang tính đột phá

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều chính sách mang tính đột phá
một giờ trướcBài gốc
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng cần hỗ trợ giáo viên ngoài công lập từ các chính sách khác như đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ thêm tiền lương từ ngân sách..., chứ không đặt gánh nặng lên vai doanh nghiệp
Sáng nay, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nhất trí với việc xây dựng Luật Nhà giáo và với hồ sơ dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV, Luật Nhà giáo được xây dựng sẽ phải giải quyết được những vấn đề còn nổi cộm, những vấn đề quan trọng đặt ra cho ngành giáo dục hiện nay, đó là: nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên bỏ nghề; giải quyết được tình trạng giáo viên bị ứng xử không đúng chuẩn mực từ phía học sinh, phụ huynh và xã hội; giải quyết tình trạng còn hiện tượng giáo viên có những ứng xử không chuẩn mực với học sinh, phụ huynh học sinh và trong cuộc sống nói chung.
Dự thảo luật đã bám rất sát mục tiêu trên, đưa ra những chính sách đặc thù, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục cũng như đề ra những yêu cầu rất cụ thể về phẩm chất, năng lực, chuẩn nghể nghiệp của nhà giáo, có nhiều chính sách mang tính đột phá.
Để tiếp tiếp hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Việt Nga có một số ý kiến:
Thứ nhất, về những việc không được làm đối với nhà giáo, dự thảo quy định không được “công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”. Đại biểu nhất trí cao với việc không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo. Tuy nhiên cần xem xét quy định “không công khai”. Bởi vì, hoạt động của nhà giáo không phải là bí mật quốc gia, đồng thời, nhà giáo cũng như mọi công dân trong lĩnh vực khác của xã hội, trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân (là phụ huynh, là cả học sinh) về hành động của mình. Nếu nhà giáo sai phạm, người dân phải được có quyền phản ánh, các cơ quan thông tấn báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận.
Do đó, nếu quy định như dự thảo luật là không phù hợp, dễ gây ra dư luận trái chiều. Cùng nội dung này, dự thảo luật có quy định “quá trình xem xét, xử lý kỷ luật nhà giáo phải đảm bảo tính nhân văn, giữ gìn hình ảnh, uy tín của nhà giáo”. Đại biểu tiếp tục cho rằng quy định này chưa hợp lý. Nhà giáo cũng như mọi công dân khác, phải có trách nhiệm tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Tùy tùng hành vi vi phạm khác nhau, mà nhà giáo có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Việc quy định phải “giữ gìn hình ảnh, uy tín của người vi phạm” trong khi chính cá nhân có hành vi vi phạm đã không có ý thức tự giữ gìn hình ảnh, uy tín của mình, của nhà giáo là bất hợp lý và không thể thực hiện.
Thứ hai, về quy định tiền lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đạo tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác. Quy định này dường như rất nhân văn nhưng đôi khi lại tạo ra rào cản cơ hội tìm việc làm cho chính các giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ mới ra trường. Các giáo viên giảng dạy tại cơ sở ngoài công lập bản chất là hợp đồng lao động giữa giữa người sử dụng lao động (chủ đầu tư nhà trường) và người lao động (giáo viên), vậy thì tiền lương phải dựa trên mức thỏa thuận, dựa vào hiệu quả kinh doanh... không thể áp đặt cơ sở giáo dục ngoài công lập trả lương giống như cơ sở giáo dục công lập được.
Đối với những cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay, thường là họ trả lương cho giáo viên cao hơn cơ sở giáo dục công lập, còn đối với cơ sở giáo dục nhỏ, đang bắt đầu phát triển, quy định này dường như tạo sự khó khăn trong việc vận hành, cân đối nguồn thu chi. Hợp đồng là sự thảo thuận, việc trả lương và các chính sách làm việc cũng là sự thỏa thuận, Nhà nước không nên can thiệp, áp đặt quá sâu vào các quan hệ mang tính thỏa thuận.
Việc hỗ trợ giáo viên ngoài công lập từ các chính sách khác như đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ thêm tiền lương từ ngân sách..., chứ không đặt gánh nặng lên vai doanh nghiệp (chủ đầu tư cơ sở giáo dục) để vô tình tạo ra áp lực cho họ.
Thứ ba, đối với quy định về bồi dưỡng nhà giáo, đại biểu Việt Nga cho rằng nên có chính sách ưu đãi đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Vì nhà giáo tại cơ sở công lập hay ngoài công lập thì đều là nguồn nhân lực của ngành giáo dục, đóng góp chung cho sự nghiệp giáo dục...
Đối với những nội dung bồi dưỡng bắt buộc, ngân sách nhà nước nên có những hỗ trợ để khuyến khích các cơ sở ngoài công lập cho giáo viên tham gia để bảo đảm việc cập nhật kiến thức cần thiết phục vụ công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, đại biểu nhận xét những quy định về bồi dưỡng nhà giáo quá nặng nề. Đại biểu tán thành việc nhà giáo cần phải học tập, nâng cao trình độ thường xuyên nhưng không nên biến nhà giáo thành học sinh với những quy định bồi dưỡng bắt buộc dày đặc.
Nên rà soát lại quy định này theo hướng lược bớt những áp lực về các chứng chỉ, các lớp bồi dưỡng bắt buộc cho nhà giáo và quy định theo hướng nhà giáo cần tích cực tự nghiên cứu, học tập để nâng cao kỹ năng, trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc.
NGUYỄN THỊ KHÁNH HUYỀN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/du-thao-luat-nha-giao-co-nhieu-chinh-sach-mang-tinh-dot-pha-398488.html