Đưa lụa tơ sen trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội

Đưa lụa tơ sen trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội
2 giờ trướcBài gốc
Sản phẩm "Tơ sen Việt Nam" do nghệ nhân Phan Thị Thuận sáng tạo được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam công nhận là sản phẩm vì sự phát triển cộng đồng. Ảnh: Tuyết Linh
Người Việt Nam đầu tiên thành công dệt lụa từ tơ sen
Sinh ra làng nghề mệnh danh “thủ phủ dâu tằm” tại Hà Nội, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Tơ tằm dâu Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn tự hào về nghề dệt truyền thống của cha ông để lại. Trước cơn lốc thị trường hóa, sản phẩm lụa công nghiệp ra đời nhưng bà Phan Thị Thuận không coi đó là một trở ngại đối với nghề dệt lụa truyền thống.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận kể lại: “Cánh hoa, hạt sen, củ sen đều được sử dụng. Tôi tự hỏi liệu có thể tận dụng cuống sen vào đời sống”. Nhớ lại từ tấm bé, bà thường xuyên rút sợi tơ từ cuống sen để chơi. Sợi tơ sen đanh, chắc khiến bà nhận ra được tiềm năng lụa tơ sen. Nhiều đêm bà trăn trở về hướng đi nào cho tơ sen và quy trình sản xuất lụa tơ sen áp dụng kĩ thuật dệt truyền thống của dân tộc.
Như một cơ duyên, sau đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống sen tại Việt Nam” năm 2017 cùng với Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh và các cộng sự, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã hiểu rõ về hơn về quy trình sản xuất lụa tơ sen. Từ đề tài nghiên cứu khoa học, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã miệt mài nghiên cứu thành công tơ sen và dệt lụa sen bằng kỹ thuật dệt tơ tằm ứng dụng vào thực tế.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận làm việc bên khung cửi dệt lụa tơ sen. Ảnh: Tuyết Linh
Năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã ra đời. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận trở thành người Việt Nam đầu tiên thành công dệt vải từ tơ sen.
Về điểm đặc biệt của lụa tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: “Lụa tơ sen mang hương thơm thảo mộc, dễ chịu. Mỗi sợi tơ sen như mạch máu nuôi dưỡng cây sen. Sợi tơ kết nối với từng vị trí của sen mang chất dinh dưỡng từ trong lòng đất, sinh khí của mây trời đi nuôi cây. Vì vậy, mỗi sợi tơ quy tụ những hương thơm, sắc khí của đất trời”.
Để tạo ra được lụa tơ sen, đòi hỏi người thợ cần trải qua nhiều quy trình tỉ mỉ. Những cuống sen được thu hoạch và cắt cuống, làm sạch gai. Sau đó, cuống sen cần phải được tuyển chọn, phân chia kỹ càng thành các loại: cuống hoa, cuống nụ, cuống đài sen, cuống bánh tẻ. Tùy vào tính chất của tơ sen trong từng loại, người thợ sẽ dệt sợi nằm dọc, nằm ngang trong sản phẩm hoặc lấy sợi tơ làm chỉ thêu.
Trong quá trình se, người thợ cần quan sát và cảm nhận kĩ chỉ số để sợi sen được đều, có độ đanh, dày phù hợp. Ảnh: NVCC
Để lấy được tơ sen, người thợ cần dùng dao khứa nhẹ và làm đứt vỏ thân cây sen. Người thợ vừa khéo léo kéo sợi tơ sen vừa se tay. Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng se cho sợi tơ săn chắc lại. Những sợi tơ sen đạt chuẩn được đưa vào khung cửi để dệt thành những tấm lụa hoàn chỉnh.
Chị Đỗ Thị Loan (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã làm việc ở đây 5 năm. Tất cả công đoạn đều làm thủ công đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ, tỉ mỉ và chú ý đến từng chi tiết”.
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, một chiếc khăn quàng rộng khoảng 25cm, dài 1m7 cần 4.800 cuống sen. Trung bình, một người thợ làm được 200 - 250 cuống sen mỗi ngày. Một chiếc khăn mất khoảng 1 tháng để hoàn thiện sản phẩm.
Hiện, công ty triển khai trồng 1,8 ha sen chất lượng cao, với quy trình kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn sạch, tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức lương bình quân 300.000 đồng/người/công, tương đương 9 triệu đồng người/tháng.
Một chiếc khăn quàng rộng khoảng 25cm, dài 1m7 cần 4.800 cuống sen. Ảnh: NVCC
Sợi “tơ hồng” kết nối văn hóa với du lịch
Ngày 4/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Một trong những mục tiêu tổng quát là: phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng.
Trước tiên, đạt được mục tiêu này cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực liên quan đến du lịch văn hóa làng nghề: nghệ nhân, thợ thủ công, truyền thông,... Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ “Nghề lụa tơ sen vốn là nghề mọi người nương tựa vào nhau. Người trồng sen, người làm tơ sen, người thợ dệt,... đều phải có sự đồng lòng và tình yêu sen. Họ cần hiểu, trân quý từng sợi tơ sen và có niềm tin vào mảnh đất quê hương đã vun vén lên chúng. Cốt lõi của việc nâng cao nhân lực trước hết ở việc làm sao để giúp cho người thợ hiểu và yêu nghề, thôi thúc trong họ mong muốn giữ gìn, phát triển nghề”.
Tháng 4/2024, Sở Du lịch Hà Nội công bố tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long”. Xưởng dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức cùng với nghệ nhân Phan Thị Thuận là điểm dừng chân cuối của hành trình khám phá di sản làng nghề Thủ đô.
Việc tích hợp sản phẩm văn hóa làng nghề với sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu và gói trải nghiệm du lịch văn hóa làng nghề được đầu tư, chú trọng tạo không gian trải nghiệm thực tế cho du khách.
Xưởng của nghệ nhân Phan Thị Thuận thường xuyên đón hàng nghìn lượt khách trong nước và nước ngoài tới tham quan. Du khách có cơ hội trải nghiệm thu hoạch sen, rút sợi sen, đạp cửi, dệt thêu tơ sen... để hoàn thiện sản phẩm tơ sen độc đáo. Việc đa dạng hóa sản phẩm: khăn sen, tranh lụa sen, khăn chụp đầu, dây buộc tóc,... đã thu hút được sự quan tâm lớn của khách hàng.
Du khách nước ngoài đến trải nghiệm hoạt động thực tế. Ảnh: NVCC
Nhìn thấy sản phẩm của mình được đón nhận, nghệ nhân Phan Thị Thuận xúc động chia sẻ: “Hoa sen là quốc hoa của dân tộc, mang hồn cốt của tâm linh, văn hóa xứ sở. Khi choàng chiếc khăn tơ sen, treo bức tranh lụa sen trong nhà,... mỗi người sẽ cảm nhận như bản thân được đắm chìm trong một đầm sen tuyệt đẹp, được kéo gần đến với văn hóa Việt Nam”.
Trong định hướng phát triển bền vững làng nghề gắn với hoạt động du lịch, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các quận, huyện năm 2024.
Năm 2023, các sản phẩm: khăn lụa tơ sen, tranh lụa thêu tơ sen,... được thành phố đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP. Trong đó, sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Miệt mài mang những sản phẩm chất lượng đến với những hội chợ OCOP, nghệ nhân Phan Thị Thuận khẳng định thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững du lịch kết hợp với trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống cần chú trọng vào vấn đề môi trường. Những cuống sen sau khi được kéo tơ sẽ được tái sử dụng làm phân bón vi sinh. Giữ gìn môi trường xung quanh những cánh đồng sen sẽ khiến cho sen phát triển tốt, sinh tơ nhiều. Chính những người khách sử dụng sản phẩm tơ sen của xưởng đã góp phần bảo vệ môi trường, đẩy mạnh lối sống xanh.
Nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, lan tỏa nghề truyền thống đến giới trẻ, mỗi dịp nghỉ hè, nghệ nhân Phan Thị Thuận mở lớp dạy nghề cho khoảng gần 100 em học sinh đến học cách se sợi, lấy sợi từ thân sen.
Nhiều em học sinh tranh thủ nghỉ hè đến xưởng trải nghiệm nghề se tơ sen. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận tâm niệm: “Với nền giáo dục tân tiến, những hoạt động trải nghiệm làm nghề truyền thống bổ ích, các em học sinh sẽ thêm hiểu, thêm yêu những giá trị văn hóa từ những sản phẩm trên chính quê hương mình. Tôi mong thế hệ trẻ sẽ là “những hạt giống đỏ” thả hồn vào từng sản phẩm, phát huy tinh thần sáng tạo để góp phần duy trì và phát triển làng nghề của dân tộc”.
Tuyết Linh
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dua-lua-to-sen-tro-thanh-san-pham-du-lich-doc-dao-cua-ha-noi-399133.html