Đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị: Lời giải cho bài toán tiêu thụ

Đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị: Lời giải cho bài toán tiêu thụ
4 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp than khó tiêu thụ
Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội đã có 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước), trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Mặc dù là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP nhưng việc tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị lại không hề dễ dàng.
Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Sữa Con Bò Vàng Phan Uyên chia sẻ, hiện DN có hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, nhưng việc tiêu thụ chủ yếu qua các cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân là để đưa hàng vào hệ thống siêu thị DN phải mất phí mở mã vạch, phải ký gửi hàng hóa thanh toán theo từng đợt.
Cũng gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (Mê Linh) Đàm Văn Đua nêu thực trạng, doanh nghiệp có 200 ha sản xuất 60.000 tấn rau/năm nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, chưa đưa được hàng vào siêu thị tiêu thụ.
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại siêu thị Win Mart. Ảnh: Hoài Nam
Phân tích nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức chỉ rõ, sản phẩm OCOP thường được sản xuất theo nhỏ lẻ theo mùa vụ nên không đáp ứng được số lượng lớn cho hệ thống siêu thị. Đồng thời cơ sở sản xuất không có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc nên khó đáp ứng được quy định các đơn hàng lớn cho doanh nghiệp bán lẻ.
Ngoài ra, yếu tố về quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, sự hiểu biết của một số chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được DN chú trọng. “Đây là những lý do khiến người tiêu dùng đánh đồng chất lượng sản phẩm OCOP với những mặt hàng tương tự chưa được gắn sao OCOP”- ông Đức nêu rõ.
Đồng tình với phân tích này, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hệ thống bán lẻ Co.op Mart hiện đang bầy bán hơn 130 mặt hàng OCOP. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP vào được siêu thị, nhà sản xuất buộc phải đáp ứng những yêu cầu về quy trình vào hàng, chất lượng và khâu thanh toán...nhưng đây lại là điểm yếu của các chủ thể OCOP.
Người tiêu dùng mua rau xanh sản phẩm OCOP tại siêu thị Hapro Mart Thành Công. Ảnh: Hoài Nam
Cần tạo cầu nối ra thị trường
Theo các chuyên gia bán lẻ, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, đòi hỏi ngành công thương làm tốt chức năng “cầu nối” giữa nhà sản xuất với DN bán lẻ.
Thông tin về việc phát triền các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP qua đó tạo cơ hội cho các chủ thể OCOP tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, triển khai xây dựng trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Thực hiện kế hoạch này thời gian qua, TP. Hà Nội đã phát triển trên 114 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó có trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; Gốm sứ Bát Tràng; Làng cổ Đường Lâm; Làng nghề may Vân Từ (Phú Xuyên); Làng nghề sơn mài Hạ Thái; Du lịch cộng đồng xã Hồng Vân(Thường Tín); Cửa hàng Khánh Phát (Ba Vì)… “Thời gian tới ngành công thương phối hợp với UBND các địa phương vận động, hướng dẫn các đơn vị có các địa điểm, cửa hàng kinh doanh tham gia phát triển thành Điểm OCOP, giúp người tiêu dùng nhận biết, ưu tiên lựa chọn sản phẩm OCOP”, bà Oanh thông tin.
Người tiêu dùng mua sản phẩm sữa Ba Vì tại điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Ba vì. Ảnh: Hoài Nam
Nhìn nhận lợi ích mà các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP mang lại, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chu Quyến (Ba Vì) Nguyễn Trung Dậu chia sẻ, việc TP Hà Nội triển khai các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Ba Vì đã tạo cơ hội cho đơn vị đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy những lợi ích mà các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP mang lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP mong muốn thời gian tới TP Hà Nội đẩy mạnh mở rộng hệ thống cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP.
Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBND về việc Phát triển Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025.
Người tiêu dùng mua rau xanh được gắn sao OCOP tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Theo đó, trong năm 2025 TP Hà Nội sẽ Phát triển thêm mới từ 8-10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, công nhận từ 5-8 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOp. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Thông tin về việc hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới hệ thống siêu thị sẽ triển khai cơ chế hỗ trợ chủ thể OCOP như giảm chiết khấu xuống còn 0%, tổ chức các tuần hàng, chợ phiên chuyên đề sản phẩm OCOP tại khuôn viên siêu thị. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ thể OCOP, từ đó những người sản xuất biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, khả năng đưa hàng vào siêu thị tiêu thụ.
Lê Nam
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dua-san-pham-ocop-vao-he-thong-sieu-thi-loi-giai-cho-bai-toan-tieu-thu.688005.html