Tăng cường tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP

Tăng cường tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP
4 giờ trướcBài gốc
Các sản phẩm OCOP được khách hàng tin dùng.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, chương trình OCOP triển khai được gần 7 năm đã tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu địa phương ổn định. Tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP là 48,3%, tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 55,6%, tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Ngô Trường Sơn cho biết, chương trình OCOP là chính sách rất phù hợp để các địa phương phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của bản địa, đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hóa đặc trưng…
Sản phẩm OCOP được trưng bày tại hội chợ quốc tế.
Một trong những địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp ghi dấu ấn trong chương trình OCOP là tỉnh Thái Bình. Đến thời điểm hiện tại, chương trình OCOP đã tạo một sân chơi khuyến khích các địa phương phát huy những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, toàn tỉnh có 261 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm đã tiếp cận được nhiều kênh tiêu thụ và được thị trường, người tiêu dùng tiếp nhận với doanh thu bán hàng tăng từ 20% đến 30% so với trước khi tham gia chương trình. Địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì…, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2025, có hơn 80% số sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia các kênh bán hàng hiện đại; có từ 1-2 làng nghề có cơ sở sản xuất sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP hạng 3 sao trở lên; 100% sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt sao có in logo thứ hạng sao, có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc theo quy định.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có 178 sản phẩm của 80 chủ thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên. Giống như Thái Bình, các sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc cũng có mức doanh thu tăng từ 20 đến 30% và được đón nhận tại các vùng miền trong cả nước. Nhằm hỗ trợ cho các chủ thể, địa phương đã xây dựng nhiều điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Vĩnh Phúc cũng tổ chức hội chợ nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm OCOP được người dân tin tưởng sử dụng.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Ngô Trường Sơn cho biết, trong giai đoạn đầu tiên, chương trình OCOP đã ưu tiên tập trung thị trường trong nước, đặc biệt là các nhóm sản phẩm gắn với xu hướng tiêu dùng chất lượng cao (đặc sản), quà tặng, quà biếu, sản phẩm du lịch... Trên cơ sở đó, từng bước mở rộng ra thị trường xuất khẩu, phù hợp với từng đối tượng sản phẩm, gắn với vai trò quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, sự đa dạng về điều kiện sản xuất, văn hóa để hình thành các sản phẩm đặc sản, mang giá trị vùng, miền.
PV
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tang-cuong-tim-kiem-thi-truong-cho-cac-san-pham-ocop-post876012.html