Dựa vào dân để giải phóng thành phố
Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết, năm 1975 ông không thuộc các đơn vị đánh trực tiếp vào Sài Gòn, nhưng đồng chí Lê Đức Anh là người chỉ đạo cánh quân thứ 5 của Chiến dịch Hồ Chí Minh (Đoàn 232 đánh từ Long An lên, mục tiêu là chiếm Nha Cảnh sát Sài Gòn), khi còn sống, vẫn căn dặn phải ghi nhớ chiến dịch này.
Đại tướng Phạm Văn Trà (ảnh phóng viên H.K chụp tháng 4/2025)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", năm 1974, trước tình hình Mỹ chuẩn bị rút quân, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập 4 quân đoàn để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232.
Đại tướng Phạm Văn Trà nhấn mạnh: "Chủ trương của mình là trong điều kiện nào cũng phải giải phóng cho được miền Nam" .
Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn, 5 cánh quân của ta bao vây, đánh vào Sài Gòn từ 5 hướng.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, khi đó là Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể, sáng 30/4, đơn vị tiến vào Sài Gòn với nhiệm vụ đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ở cảng Ba Son, Dinh Gia Long, chiếm đài phát thanh
Và đến 12 giờ trưa ngày 30/4, Sư đoàn 7 mới về đến Dinh Độc Lập, chậm 30 phút so với đơn vị của Quân đoàn 2 và không thể thực hiện kịp nhiệm vụ cắm cờ.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (ảnh phóng viên H.K chụp tháng 4/2025)
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể lại: "Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 4 chúng tôi được giao nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập và đảm nhiệm 3 mũi tiến công trên hai hướng Đông và Tây Nam Sài Gòn. Ngày 30/4, nhân dân Sài Gòn ra đón chúng tôi như con em trở về. Chúng tôi vào chậm so với Quân đoàn 2 là 30 phút nên Sư trưởng Lê Nam Phong của chúng tôi lúc đó nói vui: Quân đoàn 2 cắm cờ trên nóc Dinh thì chúng ta cắm dưới đất, để an ủi chúng tôi."
Quá trình tiến công của các Quân đoàn, Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết, Trung ương đã rất linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo trong 5 mũi tiến công.
Cụ thể, mũi Quân đoàn 4 đánh Xuân Lộc và Quân đoàn 2 đánh Ngã ba Nước Trong rất khó do phía đó địch bố trí lực lượng mạnh, coi đó là "cánh cửa thép" giữ Sài Gòn.
Khi thấy tình hình Quân đoàn 4 chưa thể tiến nhanh vào Sài Gòn được, Trung ương lệnh cho Quân đoàn 2 đánh vào thành phố.
Khi qua cầu Sài Gòn, bộ đội không biết Dinh Độc Lập ở đâu và có một người dân đã dẫn đường cho xe tăng tiến vào Dinh.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà nhìn nhận, bên cạnh sức mạnh quân sự, chính trị, công tác dân vận, địch vận có nhiều điểm hay, làm cho địch tan rã. Công tác dân vận, địch vận cũng tác động rất lớn khiến tướng Dương Văn Minh sớm đầu hàng.
"Chúng ta giải phóng miền Nam hoàn toàn, dựa vào sức mạnh toàn dân, dựa vào sức mạnh của ba mũi giáp công mà quân sự là chính. Đây là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta, của Bộ Chính trị rất sắc bén. Chỉ đạo sáng suốt nữa là trước đó khi Quân đoàn 4 không vào được Dinh Độc Lập vì đang khó khăn ở Xuân Lộc thì chỉ đạo Quân đoàn 2 vượt sông Đồng Nai tiến vào ngay. Còn cả miền Nam thì sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, người dân tự đứng lên cùng lực lượng vũ trang địa phương giải phóng các địa phương. Sự lãnh đạo của Đảng ở 3 mũi giáp công quân sự- chính trị- dân vận, địch vận, lãnh đạo toàn diện như vậy mà chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", Đại tướng Phạm Văn Trà đúc kết.
Ảnh tư liệu: Người dân Sài Gòn đón mừng bộ đội vào thành phố
Về vấn đề này, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam viết: "Cùng với những thắng lợi về quân sự và cũng là những đòn đánh vào tinh thần và tâm lý thất bại của cả chính quyền, quân đội và binh sĩ địch, công tác binh vận đã có tác dụng không nhỏ. Nhân dân và lực lượng địa phương tại chỗ vừa đánh, vừa kêu gọi địch đầu hàng, vừa tuyên truyền và công khai vận động binh sĩ quân đội và lực lượng bảo an, dân vệ buông súng về với nhân dân, với cách mạng".
Dựa vào dân để quản lý thành phố
Ngày 30/4/1975, thành phố Sài Gòn được giải phóng thì ngay rạng sáng ngày 1/5, các đơn vị quân đội của ta đã triển khai xong lực lượng bảo vệ 11 quận nội thành và 44 mục tiêu quan trọng.
Trước các công sở, kho hàng, trên đường phố, các chiến sỹ của ta quân phục chỉnh tề, làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra, bảo vệ trật tự trị an. Người dân thành phố vẫn có điện, có nước, họp chợ và đi lại bình thường.
Năm 1975, ông Hồ Văn Dờ 24 tuổi, sống ở vùng Hóc Môn. Ông kể, ngay sau ngày 30/4, thành phố lúc bấy giờ đặt dưới sự quản lý của bộ đội ta và những người dân như ông nhanh chóng chuyển từ lạ lẫm sang gần gũi, hợp tác, chào đón.
Ai cũng hiểu rằng, thành phố vừa được giành lại, tình hình trật tự xã hội còn nhiều phức tạp nên những quy định về việc thiết quân luật, giới nghiêm…là cần thiết để bảo vệ cho chính người dân.
Ông Hồ Văn Dờ cho rằng: "Thành phố thiết lập chế độ Quân quản thì mình cũng trong tâm trạng chờ đợi xem được đối xử như thế nào. Thật sự bên Quân quản đối xử với mình rất tốt. Người dân sinh sống bình thường, được đảm bảo cuộc sống. Mặc dù mấy ngày đầu nhiều cửa hàng chưa dám mở cửa buôn bán, nhưng mấy ngày sau là mở cửa buôn bán, tiếp xúc với cách mạng một cách thân thiện".
Ảnh tư liệu: Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn- Gia Định được thành lập
Lực lượng bộ đội chủ lực của Quân đoàn 4 toàn bộ tập trung cho nhiệm vụ quân quản. Mỗi quận có một trung đoàn, mỗi phường có một tiểu đoàn và mỗi khóm có một tiểu đội.
Trong cuộc họp Đảng ủy Quân đoàn 4 ngày 8/5/1975 đã phân tích chân thực tình hình Sài Gòn và quán triệt: Tiếp quản thành phố là nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp, hoàn toàn mới lạ. Cho nên, phải chuẩn bị kỹ và thực hiện chặt chẽ để tránh những sai lầm. Quản lý thành phố phải nhờ dân, không có dân, không có cơ sở thì không thể làm được.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho biết, Trung đoàn 141, Quân đoàn 4 được giao quản lý các địa bàn Quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức cùng với bảo vệ Dinh Độc Lập.
Trong lòng ông và các chiến sĩ luôn thấm nhuần thực tế: Để giải phóng được Sài Gòn, thống nhất đất nước, chúng ta đã hy sinh xương máu quá nhiều, nên trong hòa bình, xây dựng bảo vệ đất nước thì tinh thần, phẩm giá, bản chất anh bộ đội Cụ Hồ càng phải được khẳng định.
Quan trọng hơn hết, bộ đội phải chân thành, đề cao trách nhiệm để nhân dân Sài Gòn tin tưởng, đồng hành thì nhiệm vụ Quân quản mới thành công.
"Yêu cầu làm nhiệm vụ Quân quản rất nghiêm khắc, chặt chẽ đối với cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 4. Chúng tôi chưa nắm được tình hình nên tận dụng một số cán bộ của chế độ cũ để hỗ trợ nắm tình hình. Chúng tôi vận động nhân dân củng cố khóm và xây dựng tổ đoàn kết để giúp đỡ nhau. Chúng tôi đã kiên trì làm và nhờ nhân dân giúp đỡ mà Quân đoàn đã tổ chức xây dựng được hệ thống chính quyền phường, khóm", ông Nguyễn Ngọc Doanh nhớ lại.
(Ảnh tư liệu)
Trong ký ức người dân Sài Gòn và cả cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ Quân quản lúc ấy, thành phố này vừa yên bình, gần gũi vừa sôi động. Dựa vào dân, nhiệm vụ quản lý thành phố thời gian đầu giải phóng đã được các đơn vị bộ đội của ta lúc đó thực hiện thành công.
Làm nhiệm vụ tiếp quản và quản lý thành phố từ tháng 5/1975 đến tháng 1/1976, trong điều kiện hết sức khó khăn, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ với những quyết sách của Ủy ban Quân quản khi đó được nhân dân ủng hộ và hưởng ứng.
Minh Hạnh/VOV-TP.HCM