Dùng gậy bóng chày đánh người chở con nhỏ: Tài xế ô tô đối diện hình phạt nào?

Dùng gậy bóng chày đánh người chở con nhỏ: Tài xế ô tô đối diện hình phạt nào?
một ngày trướcBài gốc
Như VietNamNet đã đưa, sáng 31/3, anh Nguyễn L.Q. (SN 1983, quê Lâm Đồng) điều khiển xe máy chở con đi học. Đến đường số 10, khu dân cư Đông Thành, phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), xe của anh Q. suýt va chạm vào xe ô tô do Nguyễn Tiến H. (SN 1985, quê Nghệ An) điều khiển.
H. đã dùng gậy bóng chày đánh liên tiếp vào tay, vai và đầu anh Q. rồi lái ô tô rời khỏi hiện trường. Ngay sau đó, anh Q. đã đến Công an phường Tân Đông Hiệp trình báo.
22h30 cùng ngày, tại Trạm CSGT Ninh Hòa, Tổ tuần tra giao thông của Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa đã dừng xe kiểm tra ô tô do Nguyễn Tiến H. điều khiển. Người đàn ông này thừa nhận việc dùng gậy bóng chày để ở cốp xe để đánh người đi xe máy. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe còn có chị Nguyễn T.D. (SN 1997, khai là vợ H.)
H. đã dùng gậy bóng chày đánh liên tiếp vào tay, vai và đầu anh Q. Hình ảnh cắt từ clip
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ việc đánh người nơi công cộng. Không ít vụ được ghi hình lại, đăng tải lên mạng xã hội và nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự. Nhưng những vụ việc tương tự vẫn tiếp tục tái diễn bởi tình trạng “điếc không sợ súng”.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, những hành vi phản cảm đó rất đáng bị lên án và cần phải xử lý bằng chế tài nghiêm của pháp luật để răn đe.
Phân tích trường hợp người lái xe ô tô dùng gậy bóng chày đánh người đi xe máy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của kẻ dùng gậy bóng chày đánh người tham gia giao thông là nguy hiểm, có tính chất côn đồ, đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của nạn nhân, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Với diễn biến trên, rất có thể CQĐT sẽ làm rõ để xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, trường hợp nạn nhân (người điều khiển xe mô tô bị hành hung) có đơn trình báo tố giác tội phạm, đề nghị xử lý người lái xe ô tô này về hành vi cố ý gây thương tích, CQĐT sẽ trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân.
Nếu hành vi của đối tượng được xác định là có tính chất côn đồ dù nạn nhân thương tích dưới 11%, vẫn có thể xử lý hình sự đối tượng về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS với tình tiết định tội là “hành vi có tính chất côn đồ”.
Trường hợp nạn nhân không có yêu cầu xử lý hình sự hoặc không có thương tích vẫn có thể xử lý đối tượng về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 BLHS do hành vi đánh người nơi công cộng gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Khi đó, hình phạt thấp sẽ là: “Phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Theo luật sư, trong vụ việc này, đối tượng thực hiện hành vi rất hung hăng, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, đánh nạn nhân ngay giữa đường khi anh này đang chở theo con nhỏ. Hành động trên có thể khiến cháu bé sợ hãi, ám ảnh, tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em.
“Những đối tượng thực hiện hành vi đánh người nơi công cộng thường là những người có bản tính côn đồ, nóng nảy, thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc. Họ đề cao lợi ích của bản thân và xem nhẹ các giá trị lợi ích của người khác. Kết cục, nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt bởi các chế tài của pháp luật”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường đánh giá.
T.Nhung
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dung-gay-bong-chay-danh-nguoi-di-xe-may-va-chuyen-diec-khong-so-sung-2386805.html