Sự gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình là nền nền tảng tốt để con trẻ khôn lớn. Ảnh minh họa: Prudential.
Có bao giờ tôi suy nghĩ tiêu cực không? Trên thực tế, tôi thuộc kiểu người hay suy nghĩ, lo lắng chứ không hề vô tư vô tâm. Tôi luôn lo lắng và suy nghĩ về đủ thứ, sống và hành động dựa trên thái độ của người khác. Nhưng rồi, theo thời gian, tôi trưởng thành hơn, sức chịu đựng lớn hơn và đã giảm bớt những lo lắng về mọi thứ xung quanh.
Ai cũng đã, đang và sẽ ít nhiều phải đối mặt với những khó khăn, thất bại và tôi không phải là ngoại lệ. Nhưng tôi luôn có cái nhìn tích cực với mọi điều xảy ra theo đúng như câu ngạn ngữ Ấn Độ: “Bất cứ điều gì xảy ra đều là những điều nên xảy ra”.
Tôi luôn cho rằng cuộc đời của mỗi con người là một chuỗi những bài học để mình trải nghiệm. Tôi cũng từng gặp vô vàn khó khăn: Yêu đương thì bị gia đình phản đối; nuôi con thì khó, mệt đến suy nhược cơ thể; đi làm thì gặp phải những mối quan hệ độc hại; làm nghiên cứu sinh thì tới tận bước cuối cùng vẫn có một phản biện không thông qua bài của tôi; kinh doanh cũng gặp quá nhiều trở ngại.
Trong những lúc bi đát nhất, tôi đã đọc được cuốn sách Mình là cá, việc của mình là bơi của tác giả Takeshi Furukawa và câu tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách là: “Trên đời này vốn không có cái gì gọi là công bằng hay chơi đẹp cả. Con người càng trải qua những chuyện vô lý, càng trải qua những chuyện bất công thì lại càng được tôi luyện và mạnh mẽ hơn”.
Thế nên tôi đối mặt với tất cả khó khăn bằng một tâm thế rằng đó là thử thách mà tôi sẽ phải trải qua, chắc chắn tôi sẽ vượt qua và bản lĩnh hơn từ đó.
Có người em thân thiết từng thắc mắc khi thấy tôi lúc nào cũng vui vẻ với suy nghĩ luôn tích cực. Cậu ấy hỏi: “Liệu có phải chị cố tình tỏ ra như vậy không?”. Chắc không ai sống tiêu cực mà có thể mãi giả vờ để khoác lên mình vỏ bọc “sống tích cực”. Như tôi đã chia sẻ ở trên, mình không thể mang lại hạnh phúc cho con cái nếu bản thân mình không cảm thấy hạnh phúc. Mình không thể cho đi cái mình không có.
Tương tự như vậy, không ai có thể toát lên vẻ tích cực nếu bản thân họ không có suy nghĩ tích cực. Không biết từ bao giờ, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào tôi cũng luôn tìm được lý do để suy nghĩ tích cực. Nếu chưa có thì sẽ nghĩ cho bằng được để rồi tôi sẽ yên tâm chấp nhận sự bất ổn nào đó trong một tâm thế tích cực.
Tôi chắc rằng nhiều cha mẹ khi nuôi dạy con cái cũng đã từng bất đồng với ông bà trong quan điểm giáo dục con cháu. Ông bà thì luôn cưng chiều, dành mọi tình yêu thương quan tâm, chăm sóc các cháu, vì yêu thương mà hỗ trợ các cháu hết mức. Cha mẹ thì sợ con cái được ông bà chiều sẽ trở nên ỉ lại, dựa dẫm, lười biếng, hư hỏng nên câu chuyện mâu thuẫn sẽ luôn luôn tồn tại giữa các thế hệ.
Nhiều người còn nói không dám để ông bà trông nom chăm sóc cháu nhiều vì sợ con cái hư. Tôi cũng từng trăn trở với suy nghĩ liệu bọn trẻ có trở nên “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Công bằng mà nói thì bọn trẻ được như ngày nay, phổng phao, ngoan ngoãn, hiểu chuyện, vui vẻ, đáng yêu chính là nhờ phần lớn công của ông bà đó chứ.
Nhưng tôi vẫn không cảm thấy thoải mái với sự yêu chiều đó. Và rồi một ngày, suy nghĩ của tôi về việc này đã thay đổi khi tôi đọc cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn của tác giả Phạm Lữ Ân do một cô em trân quý tặng mang thông điệp là: Sự yêu chiều của ông bà dành cho các cháu chính là hành trang quý giá để các con bước vào đời, là những kỷ niệm, là sự ấm áp nuôi dưỡng tình yêu thương trong con trẻ.
Áp lực của tôi giảm đáng kể từ khi đọc được thông điệp này, và tôi nghĩ các bậc phụ huynh chúng ta cũng nên đọc thử cuốn sách một lần: “Đôi khi có những mâu thuẫn xảy ra giữa cách giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ và sự chiều chuộng của ông bà. Nhưng khi lớn lên, bạn nhìn lại thời thơ ấu và sẽ hiểu rằng: Nhân cách của mình đã được hình thành nhờ cả hai điều đó, nhờ sự cân bằng của cả hai. Thật hạnh phúc cho ai có may mắn nhận được sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ và sự nuông chiều, hỗ trợ từ ông bà”.
Và sự hỗ trợ, chăm sóc từ ông bà cũng là bằng chứng cho thấy các bậc phụ huynh đang may mắn có được một gia đình gắn kết. Nhiều năm sau, nhiều thế hệ sau, khi mọi thứ thay đổi, chắc gì sẽ có những yêu thương thế này. Tôi vẫn nhắc nhở, dạy riêng con phải tự lập và tế nhị trao đổi với ông bà.
Và chúng tôi, ba thế hệ ông bà - cha mẹ - con cháu vẫn luôn đồng hành một cách vui vẻ, hạnh phúc. Sau khi nhận ra được điều trên, tôi thấy thật tuyệt vời vì mình đã có được lý do tích cực để không phải suy nghĩ về vấn đề này nữa.
Bùi Thị Thanh Nga/ Thái Hà Books & NXB Công thương