Điều tiết cảm xúc sẽ hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài ảnh hưởng đến tâm trạng. Ảnh minh họa: J.K.
Các nhà khoa học từng thực hiện thí nghiệm mở nhạc cho nước “nghe” trước khi nó đóng băng. Khi “nghe” tiếng nhạc du dương, trầm bổng, những hạt tinh thể nước đông kết lại rất đẹp, trông giống như những bông hoa tuyết rực rỡ đang mỉm cười. Còn khi “nghe” tiếng nhạc nặng nề, trầm lắng, tinh thể nước đóng băng lại thành những hình thù méo mó, giống như bộ mặt nhăn nhó của ma quỷ.
Có nhà khoa học phân tích rằng, nếu chất lỏng có khả năng phân biệt âm luật, vậy thì dòng máu đang chảy trong cơ thể con người cũng sẽ có những phản ứng khác nhau trước các tác động của thế giới bên ngoài.
Nếu tai chỉ nghe thấy toàn những lời độc địa, hoặc bản thân đang nổi giận với người khác, thì máu trong cơ thể sẽ bị tác động, từ đó lưu thông khó khăn, tạo thành cục máu tụ, chặn ở những đoạn quan trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Thực tế, con người là một cá thể rất yếu đuối, chỉ cần một lời trách móc cũng làm tổn thương lòng tự trọng. Nếu một người không bị hoàn cảnh tác động, thì tâm thái của người đó chắc chắn sẽ rất mạnh mẽ, không bị ngoại cảnh cám dỗ hay làm cho tha hóa.
Hoàn cảnh luôn thay đổi thất thường, tâm trạng tốt hay xấu đương nhiên cũng chịu ảnh hưởng. Chắc chắn bạn đã từng trải qua những ngày: Khi trời mưa triền miên, sẽ rất muốn ở nhà ngủ một mạch; còn khi Mặt trời chiếu sáng rực rỡ, thì tâm trạng có đau buồn, chán nản đến mấy cũng đều sẽ tan biến chỉ trong nháy mắt.
Không thể phủ nhận rằng thời ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của con người. Nhưng chúng ta cũng không thể vì thế mà để cho tâm trạng phụ thuộc vào thời tiết. Chúng ta không thể điều khiển thời tiết, nhưng lại có thể lựa chọn và điều chỉnh tâm trạng của mình. Chính vì có thể tác động đến tâm trạng nên mọi điều trong cuộc sống của bạn đều là do chính bạn quyết định.
Khi bạn nghe thấy có người oán trách: “Thời tiết hôm nay sao tệ thế, chẳng thích hợp để đi gặp khách hàng chút nào cả!”. Thật ra, điều ảnh hưởng đến việc người này đi gặp khách hàng không phải là thời tiết mà chính là tâm trạng của anh ta. Người không có tâm thái ổn định thì tâm trạng dễ bị hoàn cảnh phá hỏng, đến lúc đó, người bị động chính là bản thân anh ta.
Một hôm, đối tác gửi tin nhắn cho tôi, nhưng nội dung tin nhắn không phải là thăm hỏi thân tình mà là quở trách. Bởi vì một hạng mục chúng tôi hợp tác, khi đưa vào hoạt động không tạo ra được lợi nhuận như kỳ vọng.
Khi cô ta gọi điện đến, tôi đang ăn lẩu (lẩu có lẽ là món tôi thích nhất trên đời, dù có việc quan trọng đến mấy nhưng đã ngồi cạnh nồi lẩu thì tôi đều quên hết), đây là lúc tôi có tâm trạng tốt nhất. Nhưng cô ta lại đột nhiên tác động tiêu cực đến nó, khiến tâm trạng của tôi không thể thoải mái được nữa. Tôi đành gác lại niềm vui với món lẩu, tiếp tục nghe đối tác phàn nàn mà trong lòng nặng trĩu áp lực.
Trong cuộc điện thoại này, tôi không nói được câu nào mà chỉ hoàn toàn đóng vai người nghe. Và có lẽ do tôi không biểu hiện thái độ gì nên đối tác cho rằng tôi chột dạ, vì thế mới không thể tranh luận lại với cô ta.
Cô ta chỉ trích tôi ngày càng gay gắt, tâm trạng ngày càng hưng phấn và lý trí cũng ngày càng mất kiểm soát. Đến cuối cùng, những lời trách móc của cô ta đối với tôi đã chuyển thành cho rằng chính tôi đã hủy hoại tiền đồ của cô ta, khiến tôi hoàn toàn không thể nói được câu gì.
Bạn cho rằng tôi chẳng việc gì phải bận tâm đến tính khí đỏng đảnh của người khác ư? Nhưng tôi không rộng lượng được như vậy. Vấn đề đã xảy ra rồi thì nhiệm vụ trước tiên là phải giải quyết vấn đề, cố gắng hết khả năng để xoay chuyển tình thế, bù đắp tổn thất.
Sau khi làm xong những việc này rồi sẽ tự kiểm điểm lại mình, rút kinh nghiệm từ sai lầm để giúp bản thân tránh vấp ngã, phạm phải những sai lầm tương tự trong tương lai.
Không ai có thể là đấng cứu thế của ai, và cũng không nhất thiết phải tỏ ra vui mừng trước sai lầm của người khác. Về phía mình, tôi bắt đầu chờ cho cô ta nói hết nhịp, sau đó lần lượt chỉ ra những sơ suất của cô ta.
Tôi không muốn là người đầu tiên vứt bỏ quan hệ khi có vấn đề xảy ra, nhưng dù sao cũng vẫn phải bày tỏ rõ ràng lập trường và thái độ của mình. Tôi đã chấp nhận thách thức của nhiệm vụ này thì cũng có đủ lý trí để xử lý khi có chuyện. Làm lại từ đầu cần phải có dũng khí, đồng thời cũng không thể thiếu trí tuệ.
Tôi hiểu được việc đối tác không kiểm soát được tâm trạng của mình, nhưng như thế không có nghĩa là tôi để mặc sức cho cô ta đổ tội. Một người không biết điều chỉnh tâm trạng như vậy thì sau này cũng không còn phù hợp để tiếp tục làm đối tác của tôi nữa.
Mặc dù có rất nhiều việc tôi làm cũng không thật sự tốt, nhưng tôi có thể hạn chế hết mức việc để cảm xúc ảnh hưởng đến công việc. Trời có lúc nắng lúc mưa, thì tình cảm và trạng thái tinh thần đương nhiên cũng phải có lúc này lúc khác. Không phải tôi chưa từng có lúc nào cảm thấy bực bội, mà là tôi biết phải điều tiết và khống chế nó như thế nào.
Vương Nam/ Bách Việt Books & NXB Công thương