Rụng tóc là tình trạng tóc bị rụng nhiều hơn số lượng tóc mọc mới, dẫn đến tình trạng tóc thưa, mỏng hoặc hói. Thông thường, một người có thể rụng từ 50-100 sợi tóc mỗi ngày. Nếu tóc rụng nhiều hơn con số này và không được thay thế bởi tóc mới hoặc tóc rụng thành từng mảng thì được coi là rụng tóc bệnh lý.
Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, trong đó việc dùng một số loại thuốc điều trị bệnh cũng dẫn đến tình trạng này.
1. Vì sao thuốc gây rụng tóc?
Rụng tóc do thuốc là tình trạng rụng tóc lan tỏa không để lại sẹo, thường có thể hồi phục. Rụng tóc thường xảy ra trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc mới hoặc thay đổi liều lượng. Mức độ nghiêm trọng của rụng tóc do thuốc phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng cũng như mức độ nhạy cảm của người bệnh với loại thuốc đó.
Thuốc điều trị bệnh có thể gây ra tình trạng rụng tóc ở một số người.
Thuốc gây rụng tóc là do:
- Tác động lên nang tóc: Thuốc gây rụng tóc bằng cách can thiệp vào chu kỳ tăng trưởng bình thường của tóc trên da đầu, có thể tác động trực tiếp đến tế bào nang tóc, làm chậm quá trình phân chia tế bào, khiến tóc yếu và dễ rụng.
- Thay đổi nội tiết tố: Thay đổi nội tiết tố do thuốc (như thuốc tránh thai) có thể làm gián đoạn chu kỳ phát triển của tóc, khiến tóc rụng sớm.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra các phản ứng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dị ứng, thiếu máu, thiếu vitamin... Những phản ứng này có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của tóc và gây rụng tóc.
- Thuốc làm tăng tiết dầu trên da dầu, gây bít tắc nang tóc và làm tóc rụng.
2. Những loại thuốc nào gây rụng tóc?
Có nhiều loại thuốc có thể gây rụng tóc, bao gồm:
Thuốc trị mụn có chứa vitamin A (retinoid) Thuốc kháng sinh Thuốc chống nấm Thuốc tránh thai Thuốc hạ cholesterol Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch Thuốc điều trị ung thư Thuốc chống động kinh Thuốc điều trị tăng huyết áp Liệu pháp thay thế hormone Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) Thuốc điều trị bệnh Parkinson...
Có hai loại rụng tóc:
- Rụng tóc telogen là dạng rụng tóc phổ biến nhất do thuốc. Tình trạng này thường xuất hiện trong vòng 2 đến 4 tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc. Những người bị rụng tóc telogen thường rụng nhiều hơn từ 30% đến 70% so với mức trung bình 100 đến 150 sợi tóc mỗi ngày.
- Rụng tóc anagen là rụng tóc xảy ra trong giai đoạn tóc đang phát triển mạnh mẽ. Tình trạng này ngăn cản các tế bào nền, nơi sản sinh ra tóc mới, phân chia bình thường. Loại rụng tóc này thường xảy ra trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi dùng thuốc.
Rụng tóc anagen phổ biến nhất ở những người đang dùng thuốc hóa trị ung thư, khiến người bệnh rụng hầu hết hoặc toàn bộ tóc trên đầu, thậm chí rụng lông mày, lông mi... Rụng tóc nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân dùng kết hợp nhiều loại thuốc hóa trị so với những người chỉ dùng một loại thuốc.
Việc điều trị rụng tóc do thuốc cần được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
3. Điều trị rụng tóc do thuốc
Nếu bị rụng tóc sau khi dùng thuốc, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các thuốc đang dùng để được hướng dẫn và chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Ngừng dùng thuốc là phương pháp điều trị tốt nhất khi rụng tóc do thuốc. Thông thường tóc sẽ tự mọc lại sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, cần mất khoảng 6 tháng để tóc mọc lại, và khoảng 12–18 tháng để phục hồi về mặt thẩm mỹ.
Lưu ý, người bệnh không được tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc ngừng dùng thuốc đột ngột có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh.
Nếu ngừng thuốc không cải thiện tình trạng rụng tóc, có thể cần điều trị bằng một số loại thuốc làm chậm quá trình rụng tóc và kích thích mọc tóc mới, bao gồm:
- Finasteride: Thuốc dạng uống, có tác dụng ngăn chặn hormone DHT gây thu nhỏ nang tóc, giúp làm chậm quá trình rụng tóc và kích thích mọc tóc mới.
- Minoxidil: Một loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng kích thích mọc tóc, nhất là các trường hợp rụng tóc do nội tiết tố nam. Thuốc này giúp tăng lưu lượng máu đến nang tóc, cung cấp đủ oxy và dưỡng chất giúp tóc nhanh chóng mọc trở lại.
- Liệu pháp laser cũng là một phương pháp được dùng để điều trị rụng tóc do thuốc, giúp hỗ trợ tuần hoàn máu, kích thích nang tóc, thúc đẩy mọc tóc. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả mọc tóc tốt nhất cần kết hợp với một số phương pháp điều trị khác.
- Liệp pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu cũng có thể giúp kích thích sự phát triển của nang tóc, đồng thời hỗ trợ giảm rụng tóc.
- Có thể bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất hỗ trợ ngăn ngừa rụng tóc và kích thích mọc tóc: Vitamin A, vitamin nhóm B, (biotin, B5,B12) vitamin C, D, E, sắt, kẽm, omega-3…