Xác định 3 trụ cột
Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm dự, chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề tại hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).
Trình bày một số điểm mới trong các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "ngay hội nghị này cũng là một điểm mới".
Theo Thủ tướng, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 có rất nhiều điểm mới. Tình hình ở ngoài nước có những diễn biến rất nhanh, rất khó lường, rất khó định đoán, phân mảnh, phân cực...
"Ở trong nước, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 chúng ta làm rất nhiều việc, phù hợp với tình hình quốc tế và diễn biến tình hình trong nước", Thủ tướng cho biết.
Điểm những việc đã làm trong thời gian rất ngắn nhưng yêu cầu cao, Thủ tướng thông tin, nổi bật là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy được thực hiện sau Hội nghị Trung ương 10, hiện nay đang làm rất tích cực.
Thứ hai, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thứ ba, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 59 trong điều kiện mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Thứ tư, dựa trên tình hình hiện nay cũng như yêu cầu phát triển, chúng ta đặt ra 2 mục tiêu 100 năm và xác định mức 6,5-7% nhưng sau đó nhận thấy nếu như vậy rất khó hoàn thành vào năm 2030 và 2044.
Vì vậy, năm 2025, Chính phủ xác định phải tăng trưởng cao hơn 8% để có thể tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).
Cùng với đó, chúng ta cũng thống nhất xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế quốc gia.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại: "Chúng ta xác định 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.
Định hướng xuyên suốt của 3 trụ cột này là lấy người dân làm trung tâm. Chúng ta không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững".
Chuyển từ thụ động sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân
Chia sẻ về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng cho biết, đường lối xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên bằng các biện pháp mới, bằng các tư duy mới.
Thứ hai, kinh tế vẫn là trung tâm, tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược nhưng phải phát triển nhanh, bền vững, giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy đà tăng trưởng, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Về đối ngoại, chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
"Trước đây chúng ta xác định an ninh quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu nhưng lần này ta bổ sung thêm đối ngoại cũng là thường xuyên, trọng yếu. Đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị vào văn kiện của Đảng", Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề cập điểm mới khi trong nhiệm kỳ này, chúng ta vẫn xác định an ninh quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu nhưng bổ sung thêm việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và đặc biệt là xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Về vấn đề văn hóa, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục làm mới, thúc đẩy xây dựng công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Cùng với đó là vấn đề an sinh xã hội, đây chính là tiến bộ và công bằng xã hội. Điều này thể hiện qua sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, y tế, các quyền lợi về xã hội khác. Đặc biệt, quan tâm đến nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người.
Về phát triển đất nước trong tình hình mới, Thủ tướng nhấn mạnh có khó khăn, cơ hội đan xen nhưng thách thức nhiều hơn và phải nhận định đúng để chủ động về chiến lược.
Ông nhắc lại tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần quán triệt, đó là phải tháo gỡ về thể chế, trong đó dứt khoát phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản", để giải phóng toàn bộ sức sản xuất.
Đề cập cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Thủ tướng nêu mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới.
"Đây là điều rất quan trọng vì đất nước ta ngày nay phát triển nhanh, bền vững, dựa vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Vì vậy, phải mở ra không gian phát triển mới", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh mục tiêu chuyển trạng thái từ thụ động sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân.
Cùng với đó, Thủ tướng quán triệt cần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa… mục tiêu là giảm người, giảm đi lại, giảm chi phí, giải quyết công việc nhanh hơn.
Trang Trần