Tết của người Việt bắt đầu từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi đất trời kết thúc một chu kỳ vận hành và bắt đầu chu kỳ mới. Đây là dịp để mỗi người dân đất Việt, dù đang sống ở phương trời nào đều mong ngóng được quây quần bên người thân, họ hàng, được trở về cội nguồn qua việc cúng ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm nhận được những điều tốt đẹp ấy. Với không ít bạn trẻ, tết là quãng thời gian khó khăn khi phải thay đổi nếp sinh hoạt, phải chi tiêu nhiều, nhất là phải trả lời những câu thăm hỏi nhưng đôi lúc không khác gì tra hỏi của người thân, họ hàng, xóm giềng về chuyện riêng tư như lương, thưởng, tình cảm...
Hoài Phương, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) từng là niềm tự hào của ba mẹ khi đỗ cao vào Đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Minh. Sau 6 năm học đại học, Phương tốt nghiệp loại giỏi và thi chương trình bác sĩ nội trú. Hiện Hoài Phương là bác sĩ nội trú có tên tuổi chuyên ngành nội - nhi của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Những tưởng thành tích học tập và một công việc nhiều người mơ ước như thế, Hoài Phương phải trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Thế nhưng, hiện Phương lại khiến ba mẹ, gia đình phải lo lắng khi trở thành “quả bom nổ chậm” bởi đã 35 tuổi vẫn chẳng yêu đương gì. Phương chia sẻ, công việc ngành y rất vất vả, ra trực là chỉ muốn ngủ bù nên không muốn đi đâu. Các đồng nghiệp nam trong khoa chủ yếu đã có gia đình, có người yêu hoặc “ma nhà không thiêng”. Cũng vài lần Hoài Phương đi xem mặt với sự sắp xếp của gia đình hoặc bạn bè, nhưng chẳng đến đâu. Mấy năm gần đây, mỗi lần họp lớp, Phương ngại không muốn tham gia vì cứ phải chứng kiến các bạn nữ khoe chồng, khoe con, có bạn còn đặt em bé vào lòng Phương, bảo bế em bé để được “lây”! Có bạn nam còn đùa vô duyên: “Tụi mày không biết Hoài Phương là bồ cái Huyền lớp A2 à?”, rồi cười hô hố. Nhưng khổ nhất là mỗi lần về quê thăm nội - ngoại cùng ba mẹ, họ hàng cứ níu lấy Phương, hỏi sao “ngoài băm” rồi vẫn không chịu “chống lầy”, rằng làm bác sĩ nội trú ở bệnh viện lớn thế, chắc thu nhập cao ngất ngưởng nhỉ?
Trường hợp của Hoài Phương còn dễ chịu bởi không sống cùng người thân, không phải hằng ngày trả lời những câu hỏi lương tháng bao nhiêu? Sao không dẫn bạn trai về? Bao giờ thì cưới? Ngọc Bảo, con một người bạn cùng khối cơ quan tôi mới tội nghiệp. 30 tuổi vẫn chỉ là nhân viên làng nhàng của một cơ quan cấp tỉnh ở ngay TP. Đồng Xoài, lương tháng chỉ đủ sắm áo quần, mỹ phẩm và giày dép nên vẫn phải “ăn chực” ba mẹ. Nhưng điều quan trọng nhất là Ngọc Bảo vẫn chưa có bạn trai. Ông bà hết nói ngon nói ngọt rằng “con gái có thì”, rằng phải nghĩ cho tương lai nhưng tình hình vẫn không thay đổi thì nặng nề, chì chiết. Tết năm ngoái, Bảo khóc hết nước mắt khi ba nói “mấy đời nhà này không có bà cô đâu nhé”. Rồi ông thẳng thừng:
- Năm nay (2024) mà không dẫn được thằng nào về thì đừng vác mặt về nữa!
Mà nào đã hết kiếp nạn. Mỗi dịp giỗ chạp hay lễ tết, các bà cô, ông cậu, các dì, các thím lại thi nhau hỏi: Cái Bảo năm nay bao tuổi rồi? Lương cháu được bao nhiêu? Cho ba mẹ được mấy triệu đồng sắm tết? Mày cùng tuổi cái Lan nhà thím mà nó hai con rồi đấy!…
Nhưng nỗi khổ ấy đâu chỉ ở các bạn trẻ. Nhiều người lớn tuổi cũng mệt mỏi trước những lời hỏi thăm thiếu duyên vào những ngày đầu năm mới. Chị Lê hàng xóm nhà tôi là người xởi lởi, mau miệng. Chị quê Thái Bình, dòng họ Nguyễn của chị từ Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp khá đông, nhiều người thành đạt trong họ đã hỗ trợ mua đất và xây dựng nhà thờ họ khang trang ngay trung tâm thành phố. Thường mồng 4 tết, các gia đình trong họ đều tề tựu về nhà thờ để dâng lễ cúng, sau đó đến các gia đình trong họ để chúc tết. Hai năm gần đây chị không đi nữa. Chồng hỏi thì chị vùng vằng trả lời:
- Em không thích mấy bà trong họ hết khoe con, khoe cháu lại hỏi con bé nhà mình bao giờ cưới?
Chồng chị cười:
- Tưởng gì. Em cứ trả lời bao giờ cháu cưới thì nhất định em mời các bác!
Sự khó chịu, bực mình của chị phải có chỗ để đổ và tất nhiên nơi ấy không ai khác là cô con gái 30 tuổi của chị. Từ chỗ mẹ con thường rủ rỉ với nhau, hai năm gần đây, thi thoảng mẹ con lại to tiếng khi chị giục con có bạn trai, nhưng con gái chị trả lời tỉnh bơ:
- Con đầy bạn trai, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để mang về trình ba mẹ!
Xu hướng kết hôn muộn ở nhiều bạn trẻ ngày nay xuất phát từ áp lực cơm áo gạo tiền. Bên cạnh đó, nhiều bạn tuổi còn trẻ đã có công việc tốt, thu nhập cao nhưng vẫn không vội kết hôn. Các bạn chia sẻ: Khi chưa là vợ chồng, các cô gái thường được yêu chiều, nhưng sau khi kết hôn sẽ thành người nội trợ, thành mẹ bỉm sữa, công việc gia đình và áp lực nội - ngoại ngập đầu nên họ không vội kết hôn. Và cứ thế, năm này qua năm khác, họ phải đối mặt với những lời thăm hỏi khó xử. Có bạn làm lơ hoặc cười trừ để né những câu hỏi khó; có bạn bị truy vấn sát sạt thì nổi quạu; có bạn không muốn những ngày đầu xuân căng thẳng, phải nhờ bạn bè đóng giả người yêu để nói dối ông bà, cha mẹ… Nhưng dù là biện pháp nào cũng không thể khiến bạn trẻ cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình những ngày đầu xuân mới.
Tết Ất Tỵ đã cận kề. Trên những chuyến xe về quê phảng phất mùi bánh trái ngày tết của các bạn trẻ, những con đường quen thuộc dần hiện ra với mai vàng rực rỡ trước những ngôi nhà khiến ai cũng nôn nao, bồi hồi. Hãy bỏ qua những muộn phiền của người già, ấm ức của người trẻ để cùng tận hưởng những khoảnh khắc vui vầy bên nhau trong dịp đầu năm mới. Chẳng cần băn khoăn “Mang gì về cho mẹ”, chỉ cần mang bình yên về nhà là đủ, bởi nhà là nơi để về!.
Thảo Linh