EU nhập khẩu năng lượng Nga vượt mức viện trợ cho Ukraine

EU nhập khẩu năng lượng Nga vượt mức viện trợ cho Ukraine
4 giờ trướcBài gốc
Dù đã bước sang năm thứ ba kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhập khẩu năng lượng hóa thạch từ Nga với giá trị cao hơn cả khoản viện trợ tài chính mà khối này cung cấp cho Ukraine trong năm ngoái.
Hình minh họa đường ống dẫn nhiên liệu của EU. Ảnh: Oil Price
Thông tin này được Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan công bố hôm thứ Hai, đúng dịp kỷ niệm ba năm chiến sự.
Theo CREA, dù phải chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga sang EU về cơ bản không thay đổi. Khí đốt tự nhiên của Nga không nằm trong danh sách bị cấm vận, trong khi dầu thô vận chuyển qua đường ống đến các quốc gia EU không giáp biển ở Trung Âu cũng không bị hạn chế.
Tổng giá trị nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào EU trong năm thứ ba của cuộc xung đột đạt 23 tỷ USD (tương đương 21,9 tỷ euro). Dù giảm 6% so với cùng kỳ năm trước do giá hàng hóa giảm, khối lượng nhập khẩu thực tế chỉ giảm 1%, theo dữ liệu của CREA.
Đáng chú ý, khoản tiền EU chi để nhập khẩu năng lượng từ Nga vẫn cao hơn con số 19,6 tỷ USD (18,7 tỷ euro) mà khối này viện trợ tài chính cho Ukraine trong năm 2024.
Trong cùng khoảng thời gian, tổng doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đạt 254 tỷ USD (242 tỷ euro). Từ khi chiến sự bùng phát vào ngày 24/2/2022, Nga đã thu về tổng cộng 890 tỷ USD (847 tỷ euro) từ nguồn tài nguyên này, theo thống kê của CREA.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy Nga đã xoay trục thành công sang các thị trường dầu mỏ lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tới 74% tổng doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga trong năm thứ ba của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ Nga, được đánh giá là mạnh tay nhất từ trước đến nay, đã làm xáo trộn thị trường năng lượng toàn cầu. Những biện pháp này được đưa ra trong những ngày cuối nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Joe Biden, khiến châu Á phải gấp rút tìm nguồn thay thế và đẩy giá cước vận chuyển dầu lên cao do nguồn cung tàu không bị trừng phạt giảm mạnh.
Theo phân tích của CREA, nếu lệnh trừng phạt được siết chặt hơn nữa, doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga có thể giảm tới 20% mỗi năm.
Hải Hà (Theo Oil Price)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/eu-nhap-khau-nang-luong-nga-vuot-muc-vien-tro-cho-ukraine-post335949.html