Mỹ phản đối nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga trong cuộc chiến Ukraine

Mỹ phản đối nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga trong cuộc chiến Ukraine
4 giờ trướcBài gốc
Mỹ bỏ phiếu chống đối với nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga trong cuộc chiến Ukraine Ảnh: telegrafi.com
Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/2, Mỹ bất ngờ bỏ phiếu chống nghị quyết lên án Nga về cuộc chiến Ukraine do châu Âu đệ trình. Diễn biến mới nhất đánh dấu thay đổi chính sách đáng kinh ngạc của chính quyền Washington.
Nghị quyết có tiêu đề "Thúc đẩy hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine", đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng. Nội dung của nghị quyết kêu gọi “chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và thiết lập nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga”.
Cùng với Mỹ, 17 quốc gia khác bỏ phiếu chống có Nga, Belarus, Triều Tiên, Hungary và Israel. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng, cùng với 64 nước khác.
Các nghị quyết mà Đại Hội đồng LHQ thông qua không mang tính ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc xung đột. Không quốc gia thành viên nào có quyền phủ quyết tại Đại Hội đồng.
Động thái bỏ phiếu chống khiến Mỹ bất đồng quan điểm với các đồng minh châu Âu lâu năm, thay vào đó lại đứng về phía Nga đúng dịp kỷ niệm 3 năm bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine.
Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward khẳng định, các điều khoản hòa bình trong nghị quyết vừa được Đại Hội đồng LHQ thông qua rất quan trọng và cũng phải “gửi đi thông điệp hành động xâm lược sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cả”.
Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Rivìere cho biết, Paris kêu gọi một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine, và chắc chắn không phải là sự đầu hàng của Kiec".
Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi mạnh mẽ quan điểm của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden vốn ủng hộ mạnh mẽ Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì đã gây ra cuộc chiến và gọi ông là "kẻ độc tài".
Trong bài trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 23/2, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, ông Steve Witkoff đã từ chối đổ lỗi cho Nga là bên duy nhất gây ra cuộc chiến và cho rằng mong muốn gia nhập NATO của Ukraine đã buộc Nga phát động chiến dịch quân sự.
Mỹ hôm 24/2 đã đề xuất dự thảo nghị quyết riêng lên Đại hội đồng LHQ nhằm kêu gọi chấm dứt chiến sự tại Ukraine thông qua đàm phán nhưng không chỉ đích danh Moscow chịu bất kỳ trách nhiệm nào trong cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, nghị quyết do Washington đề xuất "phù hợp với quan điểm của Tổng thống Trump" rằng LHQ cần phải duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bao gồm cả việc thông qua các giải pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp".
“Gió đổi chiều” tại Liên hợp quốc
Cũng trong ngày 24/2, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết với quan điểm trung lập về xung đột Nga - Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Trump đang hướng đến làm trung gian đàm phán hòa bình.
Theo hãng tin Reuters, nghị quyết được đưa ra nhân dịp tròn 3 năm ngày bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong nghị quyết ngắn gọn, Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột, đồng thời hối thúc thiết lập nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Nga và không có nội dung đề cập tới các hành động được cho là gây hấn của Nga.
Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết trên với 10 phiếu thuận, không có phiếu chống và 5 phiếu trắng (đó là Pháp, Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia). Nga là nước bỏ phiếu ủng hộ.
Nghị quyết do Mỹ dự thảo thể hiện sự thay đổi trong lập trường lâu nay của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đối với cuộc xung đột này, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đang đẩy mạnh các nỗ lực trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia ghi nhận sự thay đổi mang tính xây dựng trong quan điểm của Mỹ về xung đột. Theo Đại sứ Nebenzia, nghị quyết không phải là lý tưởng nhưng là điểm khởi đầu cho những nỗ lực trong tương lai để giải quyết hòa bình.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia. Ảnh: Tass
Còn quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Dorothy Shea cho rằng: "Nghị quyết này đã đưa chúng ta tới con đường để đạt hòa bình.”
Đây là bước đi đầu tiên nhưng quan trọng và là một trong những điều tất cả chúng ta nên tự hào. Chúng ta phải sử dụng nghị quyết này để xây dựng tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế".
Về phía Ukraine, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ trước khi bỏ phiếu, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mariana Betsa tuyên bố: "Cuộc chiến này không chỉ liên quan đến Ukraine mà còn liên quan đến quyền cơ bản của bất kỳ quốc gia nào đó là được tồn tại, được lựa chọn con đường riêng và được sống tự do, không bị xâm lược".
Nguyễn Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/my-phan-doi-nghi-quyet-cua-lien-hop-quoc-len-an-nga-trong-cuoc-chien-ukraine.html