Triển vọng hòa bình

Triển vọng hòa bình
4 giờ trướcBài gốc
Người dân đến thăm Đài tưởng niệm các binh sĩ Ukraine tại Quảng trường Độc lập ở Kiev ngày 23-2-2025, trước lễ kỷ niệm 3 năm bùng phát xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: AFP
Những tổn thất nặng nề
Trong 3 năm từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, Ukraine mất kiểm soát nhiều vùng đất, cố gắng giành lại một số vùng đất nhờ viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây. Hàng triệu người Ukraine phải rời khỏi chỗ ở, hàng nghìn người thiệt mạng hoặc bị thương.
Vào đầu cuộc chiến, Ukraine giữ quân ở thủ đô Kiev và sau đó giành chiến thắng một số vùng đông bắc Kharkov cũng như phía nam Kherson. Nhưng nước này cũng chịu tổn thất lớn ở các khu vực phía đông xung quanh Donetsk và Bakhmut. Theo phân tích của CNN với dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, đơn vị theo dõi dữ liệu từ cuộc xung đột có trụ sở tại Mỹ, kể từ xung đột quân sự năm 2022, Ukraine mất quyền kiểm soát khoảng 11% diện tích. Nếu tính đến cả những khu vực từ cuộc xung đột năm 2014, tổng diện tích đất đai Ukraine mất kiểm soát từ năm 2014 là khoảng 18%.
Theo Văn phòng Nhân quyền LHQ, hơn 40.000 thường dân bị thương hoặc chết ở Ukraine trong cuộc xung đột, trong đó nhiều trường hợp tử vong do vũ khí nổ. Ít nhất một nửa số người thiệt mạng (6.203) là nam giới trưởng thành và 669 là trẻ em. Hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, đến các vùng khác của Ukraine hoặc các quốc gia khác, trong những năm kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Vào cuối năm 2024, ước tính có khoảng 3,7 triệu người phải di dời ở Ukraine, 6,9 triệu người phải di dời ra nước ngoài. Số người phải di dời trong nước giảm gần 40% kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trong khi số người phải đến nước khác tăng gần 19%. Theo dữ liệu đến cuối năm 2024 từ cơ quan tị nạn của LHQ, hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine đang sống ở châu Âu, bao gồm khoảng 1,2 triệu người ở Đức, gần 1 triệu người ở Ba Lan và 390.000 người ở Cộng hòa Czech. Theo ước tính mới nhất của LHQ tính đến tháng 6-2024, có 1,2 triệu người tị nạn Ukraine đang sống tại Nga.
Bom đạn, tên lửa vẫn nổ
Sau 3 năm, Nga đã kiểm soát và sáp nhập được 4 vùng của Ukraine là Kherson, Donetsk, Zaporizhia và Luhansk, tạo được vành đai an toàn dọc biên giới phía Tây. Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Về phía Kiev, quân đội nước này dù yếu thế hơn, nhưng vẫn tiến hành những cuộc tấn công nhỏ lẻ táo bạo nhằm vào các mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Nga, và đặc biệt là tại tỉnh Kursk.
Để duy trì cuộc xung đột, Ukraine nhận được sự hỗ trợ vũ khí, khí tài hiện đại của các nước phương Tây. Tổng cộng, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các khoản viện trợ hơn 300 tỷ USD cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky. Riêng EU, 3 năm qua, khối này đã công bố tổng cộng 16 vòng trừng phạt nhằm làm suy yếu Nga.
Các vòng đàm phán hòa bình, đề xuất ngừng bắn, sáng kiến giải quyết xung đột… đều thất bại. Nhiều lằn ranh đỏ được đặt ra, nhưng đã bị vượt qua. Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã trở thành cuộc xung đột chết chóc nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
Không ai chịu nhượng bộ
Sự khác biệt giữa yêu sách của các bên đến nay vẫn khiến cho các vòng đàm phán bị đình trệ. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần nhắc lại mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt là phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, Ukraine phải cam kết trung lập, không gia nhập NATO và chấp nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập. Yêu cầu hàng đầu của Tổng thống Ukraine Zelensky vào năm 2022 là việc Nga rút quân hoàn toàn và khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine, bồi thường thiệt hại cho Ukraine và đưa tội phạm chiến tranh ra xét xử.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người Ukraine ủng hộ đàm phán, mặc dù một bộ phận đáng kể dân chúng phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ. Điều đó có thể hạn chế quyền tự do hành động của ông Zelensky trong bất kỳ cuộc đàm phán nào. Vào cuối năm 2024, ông Zelensky dường như đã đưa ra tín hiệu về sự linh hoạt trong đàm phán, nói rằng cuộc giao tranh có thể kết thúc bằng việc trả lại lãnh thổ Ukraine thông qua các biện pháp ngoại giao, với điều kiện Ukraine được gia nhập NATO.
Triển vọng từ giải pháp của Mỹ
Rõ ràng, cả Nga và Ukraine đều có lý do để kết thúc cuộc chiến. Nhưng cần có tác động từ bên ngoài và trên chiến trường và cú hích đó tới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã từng tuyên bố rầm rộ trước đó rằng sẽ chấm dứt được chiến tranh Ukraine "trong vòng 24 giờ" sau khi nhậm chức. Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đã mang đến những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là cách nước này đối phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, trong đó có xung đột Nga - Ukraine.
Chính quyền ông Trump đã bắt đầu nỗ lực hòa giải vào tháng 2 năm nay. Ông Trump sau đó đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Valadimir Putin, sau đó ông tuyên bố nhà lãnh đạo Nga mong muốn hòa bình và cho biết họ sẽ sớm gặp nhau. Lãnh đạo Nga - Mỹ đều hài lòng với kết quả đạt được sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tại Saudi Arabia hôm 18-2.
Những bước đi đầu tiên của chính quyền Trump làm dấy lên hy vọng tan băng trong quan hệ với Moscow, phá vỡ thế "cô lập" mà chính quyền Biden trước đây áp đặt với Nga. Những nỗ lực xúc tiến đàm phán vừa qua là điểm sáng hiếm hoi khi các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình suốt trong năm thứ ba của cuộc xung đột gần như dậm chân tại chỗ.
Các quan chức Nga - Mỹ dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận tiếp theo trong 2 tuần tới.
AN BÌNH
Australia và Anh công bố các gói trừng phạt mới đối với Nga
Australia và Anh ngày 24-2 đã đồng loạt công bố các gói trừng phạt mới nhằm vào Moscow, nhấn mạnh lập trường cứng rắn của phương Tây trước tình hình xung đột kéo dài.
Australia cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và lệnh cấm đi lại đối với 70 cá nhân và 79 thực thể liên quan Nga. Đây là gói trừng phạt lớn nhất của Australia nhằm vào Nga kể từ tháng 2-2022. Australia cũng cam kết 1,5 tỷ AUD (khoảng 956 triệu USD) hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm trang thiết bị chiến trường và huấn luyện cho lực lượng Ukraine. Trong động thái tương tự, Chính phủ Anh đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với Moscow. Theo đó, một loạt cá nhân sẽ bị cấm nhập cảnh vào Anh. Danh sách trừng phạt bao gồm các chính trị gia cấp cao, quan chức chính phủ và doanh nhân Nga.
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/trien-vong-hoa-binh-post309210.html