Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt từ phương Tây kéo dài suốt ba năm qua, Moscow đang nhìn thấy cơ hội nới lỏng áp lực và tìm kiếm những hướng đi mới để phục hồi tăng trưởng.
Điện Kremlin. Ảnh: WIKI
Các cuộc đàm phán không công khai giữa Nga và Mỹ gần đây đã mở ra hy vọng về việc cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước, đồng thời có thể giúp Nga giảm bớt gánh nặng tài chính từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo đó, một loạt các cuộc thương thảo đã được tổ chức tại Ả Rập Saudi trong thời gian qua giữa quan chức Nga và Mỹ. Điều đáng chú ý là các cuộc đàm phán này diễn ra mà không có sự tham gia của Ukraine hay các nước châu Âu, cho thấy Washington đang muốn tìm kiếm một giải pháp linh hoạt hơn đối với Moscow.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, hai bên có thể sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong vòng hai tuần tới. Giới quan sát nhận định rằng nếu các cuộc đàm phán này dẫn đến việc Mỹ giảm nhẹ hoặc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt, Nga sẽ có cơ hội lớn để thoát khỏi giai đoạn trì trệ kéo dài suốt thời gian qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã quay trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2024, đang theo đuổi một chính sách thực dụng hơn trong vấn đề Ukraine. Ông nhiều lần bày tỏ quan điểm không muốn tiếp tục phân bổ tài chính hỗ trợ cho Kiev và kêu gọi tìm kiếm một giải pháp đàm phán để chấm dứt xung đột.
Nếu chính quyền ông Trump đạt được một thỏa thuận với Nga, nền kinh tế Moscow có thể hưởng lợi lớn từ việc cắt giảm các biện pháp cấm vận và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế.
Mặc dù chính sách của Mỹ đang có những thay đổi tích cực đối với Nga, nhưng bản thân nền kinh tế nước này cũng đang đứng trước những thách thức lớn.
Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là chi tiêu quân sự quá cao. Theo các báo cáo, Nga đang dành khoảng 30% ngân sách liên bang cho quốc phòng, con số này tăng mạnh kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra vào năm 2022. Việc duy trì mức chi tiêu này đang đặt ra áp lực lớn đối với nền kinh tế Nga, khiến nhiều lĩnh vực dân sự bị thu hẹp đầu tư.
Ông Oleg Vyugin, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, cho rằng Moscow đang đối diện với một lựa chọn khó khăn: hoặc tiếp tục duy trì chi tiêu quân sự cao để theo đuổi chiến dịch tại Ukraine, hoặc chấp nhận cắt giảm ngân sách quốc phòng để tái đầu tư cho nền kinh tế. Nếu Nga chọn cách duy trì chiến dịch quân sự, nền kinh tế sẽ tiếp tục chịu áp lực từ lạm phát cao, lãi suất lớn và sự sụt giảm đầu tư.
Thực tế, để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất lên mức 21% vào tháng 10/2024. Điều này khiến cho doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn mở rộng sản xuất. Lạm phát tại Nga hiện đang ở mức 8,4%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
Ngoài ra, nền kinh tế Nga cũng đang đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, nhiều lao động nước ngoài đã rời khỏi Nga, trong khi hàng trăm nghìn người Nga đã di cư sang các quốc gia khác để tránh nhập ngũ hoặc tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Mặc dù quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều căng thẳng, nhưng một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Mỹ và Nga đang dần được hé lộ. Theo một số nguồn tin, chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét việc hợp tác với Nga trong lĩnh vực sản xuất kim loại đất hiếm và nhôm. Tổng thống Donald Trump khẳng định: "Mỹ sẵn sàng hợp tác kinh tế với các đối tác nếu họ thể hiện thiện chí và mong muốn hợp tác chung."
Kim loại đất hiếm là một trong những thành phần quan trọng trong ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm sản xuất pin, thiết bị điện tử và linh kiện ô tô. Nga hiện là một trong những quốc gia có trữ lượng kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ lại đang đối mặt với sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Việc Washington hợp tác với Moscow trong lĩnh vực này có thể giúp Nga thu hút thêm nguồn đầu tư nước ngoài, đồng thời giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Bên cạnh đó, lĩnh vực năng lượng cũng có thể là một kênh hợp tác quan trọng giữa Nga và Mỹ. Trước đây, các công ty dầu khí của Mỹ từng có nhiều dự án hợp tác với Nga, nhưng hầu hết đã bị đình chỉ do các biện pháp trừng phạt. Nếu chính quyền Trump quyết định nới lỏng các hạn chế này, Nga có thể thu hút lại sự quan tâm của các tập đoàn năng lượng phương Tây, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh: "Hai bên đã trao đổi và xác định các lập trường mang tính nguyên tắc, đồng thời nhất trí rằng các nhóm đàm phán sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề này trong tương lai."
Hoàng Nam