Nhân viên làm việc tại cơ sở khai thác dầu ở Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (24/2) chuyên gia Prior cho biết: "Chúng tôi dự đoán một phần sản lượng sẽ được đưa trở lại thị trường". Tổ chức này do Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Nga dẫn đầu, có thể khôi phục sản lượng khoảng 150.000 thùng dầu mỗi ngày bắt đầu từ tháng 4/2025.
Tổng thống Trump đã liên tục yêu cầu OPEC+ giảm giá dầu nhằm gây sức ép buộc Nga chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đạt mức kỷ lục 80 USD/thùng vào giữa tháng 1/2025, và hiện dao động quanh mức 70 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, với tình hình hiện tại, nguồn cung dầu mỏ dự kiến sẽ vượt nhu cầu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường nhận định tình hình địa chính trị chắc chắn sẽ tác động đến giá dầu trong thời gian tới với "ẩn số" là chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Iran, Venezuela và Nga, cũng như những tác động tiềm tàng của các chính sách thuế quan đối với giá năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung của Mỹ cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia Andy Lipow thuộc công ty tư vấn Lipow Oil Associates cho biết, thị trường dầu mỏ không lo ngại về nguồn cung trong vài năm tới, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc khác với dự kiến, đặc biệt là trong năm 2024.
Triển vọng nhu cầu chậm chạp trong năm 2025 và nguồn cung tăng mạnh từ các nhà sản xuất không thuộc OPEC+ do Mỹ, Brazil, Guyana và Argentina dẫn đầu dự kiến sẽ giữ giá dầu trong năm 2025 ở mức khoảng 70 USD/thùng, các nhà phân tích cho biết. Họ dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ dư cung trong năm 2025, ngay cả khi OPEC+ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp cắt giảm sản lượng vào tháng 4/2025.
Vân Anh (TTXVN)