Fed có sai lầm khi giảm mạnh lãi suất?

Fed có sai lầm khi giảm mạnh lãi suất?
7 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Ông David Roche, nhà sáng lập kiêm chiến lược gia của công ty Quantum Strategy, cho rằng quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed hôm 18/9 là hấp tấp.
“Sai lầm của Fed là phụ thuộc quá mức vào dữ liệu và không có một tầm nhìn chiến lược”, ông nói và nhấn mạnh rằng chính vì sai lầm này, Fed không thể “có thêm những đợt giảm lãi suất mạnh nữa, trừ phi có điều gì đó thực sự xấu xảy ra” chẳng hạn xung đột ở Trung Đông leo thang tới mức Israel tấn công khu vực thử hạt nhân của Iran.
Những nhận định trên của ông Roche được đưa ra sau khi báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ gây bất ngờ lớn vì tốt hơn nhiều so với dự báo. Bản báo cáo đến từ Cục Thống kê lao động của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 254.000 công việc mới trong tháng trước, vượt xa con số dự báo 150.000 công việc mới. Chưa kể, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 4,1%.
Ông Roche nói những con số này khiến cho việc Fed “giảm lãi suất với bước giảm lớn bị nhìn nhận là sai lầm, mang màu sắc dân túy và có sự hoảng sợ trong đó”.
Thậm chí, vị chiến lược gia này còn cho rằng động thái giảm lãi suất tháng 9 của Fed có thể gây ra tổn thất vì tạo ra một ấn tượng sai về nền kinh tế Mỹ. “Thứ nhất, việc đó mang lại cảm giác rằng nền kinh tế yếu hơn so với thực tế. Nền kinh tế thực ra đang ổn và không cần lãi suất phải giảm nhiều như vậy”, ông nói.
“Thứ hai, việc đó khiến người ta nghĩ rằng Fed sẽ giảm lãi suất liên tục xuống một mức sâu hơn so với thực tế. Trên thực tế, Fed sẽ không giảm lãi suất dưới 4% hay 3,5%, và lý do ở đây là nền kinh tế đang rất vững và các công ty có thể làm ăn có lãi mà không cần một mức lãi suất thấp hơn”.
Giảm lãi suất mạnh tay ngay từ đầu, Fed tạo ra ấn tượng rằng sẽ có thêm những đợt giảm 0,5 điểm phần trăm, và ấn tượng này có thể “gây bất ổn trên thị trường nếu thị trường nhận ra sẽ không có thêm những đợt giảm lãi suất như vậy” - ông Roche nhấn mạnh.
Hiện tại, thị trường lãi suất tương lai không còn đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 11. Thay vào đó, đặt cược cho mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm đang đạt khoảng 86%, trong khi đặt cược cho việc Fed giữ nguyên lãi suất đang ở khoảng 14% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Cách đây 1 tuần, thị trường còn đặt cược khoảng 35% cho việc Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng tới.
Diễn biến lãi suất quỹ liên bang của Fed từ tháng 7/2000 đến tháng 9/2024 - Nguồn: Fed/CNBC.
Đợt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed vào tháng trước đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng trung ương này chọn mức giảm lãi suất lớn như vậy kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, ngoại trừ những lần giảm lãi suất khẩn cấp trong đại dịch Covid-19.
Cùng quan điểm với ông Roche, cố vấn cấp cao Bob Parker của công ty Capital Markets Association nói rằng “không có lý do gì để Fed tiếp tục giảm lãi suất mạnh tay”.
“Chúng tôi dựa trên hai yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Thứ nhất, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, ít nhất trong quý 4 năm nay hoặc quý 1 năm tới, là gần như bằng 0. Và thứ hai, lạm phát toàn phần và lạm phát lõi còn đang cao hơn mục tiêu 2% của Fed”, ông Parker nói.
“Vẫn có cơ sở để Fed giảm lãi suất với tốc độ vừa phải. Từ nay đến tháng 1 năm sau, Fed có thể giảm lãi suất thêm tổng cộng 0,25 đến 0,5 điểm phần trăm là hợp lý. Nhưng cơ sở để giảm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới là không có”, vị cố vấn nói thêm.
Ở một góc nhìn khác, Giám đốc sáng kiến chiến lược David Pierce của công ty GPS Capital Markets cho rằng việc các số liệu việc làm phi nông nghiệp hàng tháng của Mỹ thời gian gần đây thường được điều chỉnh giảm là một vấn đề đáng lưu tâm. Các thống kê kinh tế Mỹ thường được công bố 2-3 lần, trong đó lần công bố đầu tiên là số liệu sơ bộ, những lần sau có thể có điều chỉnh tăng hoặc giảm.
“Có vẻ như những con số việc làm bây giờ không được chính xác cho lắm”, ông Pierce nói với CNBC.
Ngoài ra, ông Pierce cho rằng mối lo về nền kinh tế Mỹ vẫn đang xoay quanh vấn đề lạm phát, với tỷ lệ lạm phát tháng 8 là 2,5%, còn cao hơn đáng kể so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Ảnh hưởng tích tụ của lạm phát vẫn đang tác động bất lợi tới đời sống hàng ngày của người dân Mỹ.
“Nền kinh tế đang ổn và không ai nói là nền kinh tế Mỹ không ổn. Nhưng vẫn đang có nhiều người sống chật vật vì giá cả đã tăng nhiều trong những năm gần đây. Đó là lý do vẫn tồn tại một tâm lý bi quan trong nền kinh tế. Mọi người có công ăn việc làm, nhưng đời sống hàng ngày của họ vẫn khó khăn”, ông Pierce nói.
An Huy
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/fed-co-sai-lam-khi-giam-manh-lai-suat.htm