Ga liên vận quốc tế Đồng Đăng thường xuyên nhộn nhịp đón khách qua lại.
Ga Đồng Đăng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước là nơi trọng điểm của tuyến đường chiến lược, trở thành "Cảng nổi" trong tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa chi viện cho Việt Nam đánh Mỹ.
Nhớ một thời hào hùng
Ngược dòng thời gian, ông Nguyễn Lâm, cựu Phó ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, những năm đầu 1990, cầm trên tay lần giở từng trang cuốn lịch sử 100 năm ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (1908-2008) nói, ngày 1/8/1955, đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội-Bắc Kinh-Moscow-Berlin chính thức khánh thành.
Ga Đồng Đăng có vinh dự lớn là ga liên vận quốc tế đầu tiên tiếp nối với đường sắt nước bạn Trung Quốc.
Những chuyến tàu chi viện miền nam. (Ảnh tư liệu)
Từ đây bắt đầu một thời kỳ hoạt động sôi nổi và liên tục của ga Đồng Đăng cho đến kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta vào ngày 30/4/1975.
Trong những năm tháng đó, ga Đồng Đăng có vinh dự là ga trọng điểm của tuyến đường chiến lược tiếp nhận hàng viện trợ các nước bạn bè cho Việt Nam đánh Mỹ.
Nhất là năm 1972, khi đế quốc Mỹ bao vây phong tỏa dọc bờ biển và Hải Phòng, Trung ương quyết định "Lật cánh chiến lược" vận tải lên phía bắc, thì hoạt động của ga Đồng Đăng trên tuyến đường sắt chiến lược Hà Nội (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) càng trở nên quan trọng.
Bốc dỡ hàng hóa lên tàu trong thời kỳ chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)
Trải qua hơn 300 ngày đêm của năm 1972 khốc liệt, cán bộ, công nhân viên ga Đồng Đăng đã vượt lên mọi nguy hiểm, mọi thiếu thốn khó khăn, làm việc quên ăn, quên ngủ, góp phần cùng với lực lượng vận tải đưa hàng triệu tấn hàng, khí tài, đạn dược, bảo đảm cho cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam đánh thắng kẻ thù, đưa tới đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Đồng Đăng vang rộn rã tiếng còi tàu
Cùng với sự phát triển của đất nước và ngành đường sắt, ga Đồng Đăng từ một ga cấp II nay trở thành ga cấp I (Cấp cao nhất trong hệ thống nhà ga hiện nay ở đường sắt Việt Nam).
Anh Tạ Duy Hiển, Phó ga liên vận quốc tế Đồng Đăng chia sẻ, hiện, ga Đồng Đăng thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện và tham gia ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước, các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Toàn cảnh ga liên vận quốc tế Đồng Đăng hiện nay.
Hiện nay, ga Đồng Đăng thực hiện khai thác kinh doanh vận tải hàng hóa; tham gia vận tải hành khách, vận tải đa phương thức trong nước và liên vận quốc tế; bảo quản, xếp dỡ, giao nhận hàng hóa và tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại...
Vào thời điểm hiện nay, mỗi ngày, ga Đồng Đăng tiếp nhận và giao nhận 5 đôi tàu chở hàng, (tương đương với 10 chuyến tàu hàng), mỗi chuyến chở hàng nghìn tấn hàng xuất khẩu từ ga Đồng Đăng (Việt Nam) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) và ngược lại.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản, sầu riêng, hàng điện tử, may mặc... hàng nhập là vật tư sắt thép, hóa chất...
Cùng với những hoạt động trong kinh doanh vận tải, những năm gần đây, ga Đồng Đăng còn là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Cán bộ, công chức ga liên vận quốc tế Đồng Đăng thực hiện nhiệm vụ đón tàu vào nhà ga.
Đặc biệt, ngày 25/2/2019, ga Đồng Đăng vinh dự là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Việc tổ chức đón tiếp Chủ tịch Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp. Qua đó, tạo được hình ảnh về mảnh đất con người xứ Lạng cũng như đất nước Việt Nam, thể hiện sự trọng thị, thân thiện, mến khách đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ga liên vận quốc tế Đồng Đăng nay trở thành điểm du lịch của huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), thu hút nhiều khách đến tham quan.
Để nâng cao năng lực vận tải từ năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục kho bãi hóa trường trong khu vực ga Đồng Đăng.
Dự án đã làm lại toàn bộ mặt bằng bãi, cải tạo khá nhiều hạng mục, đầu tư mới thêm 2 đường để thực hiện xếp, dỡ hàng hóa và xây dựng kho bãi khoảng 1.000m2, cải tạo lại toàn bộ hệ thống kho cũ, xây nhà điều hành...
Cơ sở hạ tầng nhà ga được hoàn thiện, đã góp phần năng lực xuất, nhập khẩu được nâng lên. Hiện nay, khả năng vận chuyển của ga Đồng Đăng đáp ứng khoảng 1,5 triệu tấn/năm...
Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị ngành Đường sắt Việt Nam sớm nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao; quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng ga Đồng Đăng; sớm đồng bộ hệ thống toa tàu container chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, hoa quả tươi… xuất, nhập khẩu qua biên giới.
HÙNG TRÁNG