GDP suy giảm trong quý 1: Kinh tế Mỹ có thể chịu đựng đến đâu giữa 'bão thuế quan'?

GDP suy giảm trong quý 1: Kinh tế Mỹ có thể chịu đựng đến đâu giữa 'bão thuế quan'?
7 giờ trướcBài gốc
Các chính sách thương mại của Tổng thống Trump dự kiến sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại, vì thuế quan dẫn đến giá cả tăng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong ảnh, người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tăng trưởng kinh tế cơ bản vẫn vững chắc vào đầu năm 2025, nhưng thuế quan và sự không chắc chắn dự kiến sẽ khiến tăng trưởng chậm lại hơn nữa.
Theo tờ New York Times, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã làm xáo trộn thị trường tài chính và đảo lộn các mô hình thương mại toàn cầu. Giờ đây, chúng cũng đang phá vỡ các biện pháp tăng trưởng kinh tế.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/4 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, đã giảm ở mức 0,3% hàng năm trong ba tháng đầu năm. Đây là sự đảo ngược đáng kinh ngạc so với mức tăng trưởng mạnh vào cuối năm ngoái, khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,4%.
Nhưng số liệu trong quý đầu tiên năm nay có thể gây hiểu lầm, vì nó là kết quả của những yếu tố đặc thù trong cách đo lường hoạt động kinh tế. Dữ liệu đáng tin cậy hơn về chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp cho thấy tăng trưởng có chững lại trong quý đầu tiên nhưng về cơ bản vẫn vững chắc.
Dù vậy, nền tảng mạnh mẽ đó có thể đang nhanh chóng bị xói mòn. Hoạt động kinh tế của Mỹ trong quý đầu năm được thúc đẩy tạm thời bởi làn sóng tiêu dùng và doanh nghiệp gấp rút nhập khẩu hàng hóa trước khi các mức thuế quan của ông Trump có hiệu lực. Và đó mới chỉ là trước khi toàn bộ tác động của chính sách này lộ rõ. Nhiều nhà dự báo cho rằng chi tiêu và đầu tư sẽ chậm lại trong những tháng tới, khi thuế quan đẩy giá cả lên và sự bất định khiến các doanh nghiệp tạm ngưng các quyết định lớn.
Chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại trong quý đầu tiên, tăng ở mức 1,8% hàng năm, giảm so với mức 4% vào cuối năm ngoái. Nhưng các nhà kinh tế cho biết ít nhất một phần là do những cơn bão mùa đông khắc nghiệt tấn công các tiểu bang phía Nam vào tháng 1, khiến nhiều người dân phải ở nhà, tạm dừng hoạt động mua sắm. Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy, sự sụt giảm mạnh trong tâm lý người tiêu dùng - bắt đầu ngay sau khi ông Trump nhậm chức - vẫn chưa chuyển thành sự sụt giảm trong chi tiêu thực tế.
Thay vào đó, sự suy giảm GDP trong quý đầu tiên gần như hoàn toàn do sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động nhập khẩu khi người tiêu dùng và doanh nghiệp cố gắng chạy trước thuế quan của ông Trump. Sự gia tăng đó đã làm giảm gần 5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên.
Để hiểu lý do tại sao sự bùng nổ trong nhập khẩu dẫn đến sự suy giảm GDP, chúng ta cần hiểu một chút về cách tính toán các con số.
GDP, như tên gọi của nó, có nghĩa là chỉ đo lường hàng hóa được sản xuất trong nước, không phải hàng nhập khẩu được sản xuất ở nước ngoài. Nhưng thay vì đo lường trực tiếp sản lượng, chính phủ sẽ tính tất cả hàng hóa và dịch vụ được bán trong nước, sau đó trừ đi những hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài. (Nó cũng cộng vào xuất khẩu, được sản xuất trong nước nhưng bán cho người mua nước ngoài).
Điều đó có nghĩa là, về mặt lý thuyết, nhập khẩu không cộng hoặc trừ vào GDP. Bất kỳ thứ gì được nhập khẩu vào quốc gia này đều phải hiển thị ở nơi khác trong dữ liệu quý dưới dạng chi tiêu của người tiêu dùng hoặc dưới dạng sản phẩm chưa bán, được giữ trong kho - cả hai đều được tính là bổ sung vào GDP.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ rất giỏi trong việc tính cả nhập khẩu và chi tiêu của người tiêu dùng, mặc dù thường phải dựa vào ước tính sơ bộ về hàng tồn kho, đặc biệt là trong dữ liệu sơ bộ. Các số liệu của quý đầu tiên chỉ cho thấy mức tăng khiêm tốn trong hàng tồn kho, mặc dù có báo cáo về các công ty tích trữ sản phẩm và vật liệu trước khi chính phủ áp thuế mới.
Các nhà kinh tế dự đoán rằng số liệu tồn kho quý đầu tiên sẽ được điều chỉnh cao hơn khi có dữ liệu đầy đủ hơn, hoặc tồn kho sẽ tăng trong quý tiếp theo, dẫn đến hình ảnh phản chiếu của báo cáo công bố ngày 30/4.
Tuy vậy, ngoài những yếu tố bất thường trong số liệu, các nhà kinh tế cho rằng điều rút ra lớn nhất từ dữ liệu mới là khá rõ ràng: Người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bắt đầu điều chỉnh hành vi của mình để phản ứng với các chính sách của Tổng thống Trump - ngay cả trước khi tuyên bố áp thuế đối ứng ngày 2/4 được đưa ra (và khiến thị trường tài chính chao đảo). Toàn bộ tác động của những chính sách này sẽ phải mất nhiều tháng nữa mới trở nên rõ ràng, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng thiệt hại có thể rất lớn, đặc biệt nếu ông Trump tiếp tục thay đổi cách tiếp cận gần như hàng ngày như trong tháng qua.
Nền kinh tế Mỹ trong những năm gần đây đã chứng tỏ khả năng chống chịu đáng kinh ngạc, nhiều lần vượt qua dự báo suy thoái. Các nhà kinh tế cho biết vẫn còn một số điểm sáng có thể giúp nền kinh tế trụ vững trước sức ép từ các chính sách của ông Trump. Tuy nhiên, tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại từ trước năm nay, khiến "tấm đệm" bảo vệ nền kinh tế không còn dày dặn.
“Chúng ta cứ liên tục chất thêm sức nặng lên nền kinh tế thay vì gỡ bỏ nó”, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của hãng kiểm toán KPMG, nhận xét.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/gdp-suy-giam-trong-quy-1-kinh-te-my-co-the-chiu-dung-den-dau-giua-bao-thue-quan-20250430204311689.htm