Gia cố 16 đoạn tường đá ở Thành Nhà Hồ

Gia cố 16 đoạn tường đá ở Thành Nhà Hồ
17 giờ trướcBài gốc
Nhiều đoạn tường thành bị sạt lở
Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết 16 đoạn tường đá được chia thành: Mạn phía Đông cổng Bắc là các đoạn tường đánh số từ 1 đến 8; phía Tây cổng Bắc là các đoạn tường đánh số 9 đến 14; phía nam cổng Đông có hai đoạn tường thành số 15 và số 16.
Gia cố, chống đỡ 16 đoạn tường thành đá ở Thành Nhà Hồ.
Dự án thuộc công trình nhóm C, loại công trình dân dụng, cấp III, chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Địa điểm xây dựng tại Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách tỉnh.
Theo quan sát của phóng viên, đoạn tường thành số 4 đổ tràn đất đá ra đường dân sinh, đã được xử lý đóng cọc bê tông cốt thép, đường kính D120mm, dài 1,5m. Tường được sơn giả gỗ vây quanh, làm lớp thoát nước mặt giống như xử lý tường thành đất bên trong.
Đoạn tường thành số 16 được đào mở rộng xung quanh viên đá bị trượt, phạm vi đào vát cạnh, cách viên đá khoảng 80cm. Công nhân sử dụng pa lăng xích đặt trên bờ thành để neo vít viên đá, dùng xà beng kích chân, dịch chuyển đá vào trong 30cm, đảm bảo phẳng bề mặt tường.
Ông Lê Khắc Tuấn, người dân địa phương cho hay, năm 2017, sau trận mưa kéo dài, một đoạn tường thành đá ở phía bắc dài gần 30m đổ sập, kéo theo đất đá trong tường thành tràn ra ngoài. Việc này khiến hệ thống tường thành bị cắt đứt một đoạn rất nguy hiểm. Đến nay, những điểm, đoạn tường thành xuống cấp được gia cố.
Khoảng đầu năm 2025, việc gia cố Thành Nhà Hồ mới được triển khai thi công.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, kỹ sư trưởng, Công ty Cổ phần Phát triển Việt Hùng (đơn vị thi công) chia sẻ, theo phương án được phê duyệt, sau khi thu dọn toàn bộ phần đất đá bị sạt trượt, vật liệu không đúng chủng loại sẽ bị loại bỏ, thay bằng vật liệu nguyên mẫu. Hiện tại, những đoạn tường bị xô nghiêng có các thanh sắt hàn thành bệ trống, tạo chân vững chắc giữ những khối đá, tạo rào cảnh báo.
Khi gia cố những viên đá nhô ra phía mặt ngoài tường, công nhân sử dụng hệ khung thép hình chống đỡ, dùng gỗ chêm chèn điểm tiếp giáp từng viên đá. Khung thép hình có chân liên kết khớp với móng đơn bê tông cốt thép. Thanh chống đứng và xiên dùng thép I, các thanh liên kết được hàn định hình tạo kết cấu vững chắc.
Khoảng cách giữa những thanh giằng từ 500 - 950mm, tùy từng đoạn theo thiết kế. Các điểm tiếp giáp giằng thép và mặt đá tảng sẽ chèn đệm gỗ.
"Đây là công việc khó nhất của chúng tôi. Hiện tại, đơn vị đã thi công khoảng 80% khối lượng, dự kiến ngày 31/7 sẽ hoàn thành và bàn giao cho đơn vị quản lý", ông Sơn nói.
Dự kiến khắc phục xong trước tháng 8
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết, trung tâm đã tham vấn ý kiến của chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu có uy tín thuộc Hội đồng Di sản Quốc gia, Cục Di sản văn hóa, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Sau đó, trung tâm lập dự án khai quật khảo cổ học "lát cắt tường thành" ngay tại một số điểm sạt lở. Qua đó, từng bước làm sáng tỏ cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành, nhằm phục vụ công tác khôi phục các đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đòi hỏi chuyên môn cao và theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Linh, việc khắc phục tình trạng sụt lở tường thành di sản gặp không ít khó khăn. Đó không chỉ là nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, mà còn liên quan quy trình thủ tục phức tạp.
Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt. Do đó, bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản đòi hỏi chuyên môn cao và theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, việc phân cấp quản lý, quyết định chủ trương đầu tư bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di sản vượt quá thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa.
Hiện tại, đơn vị thi công nỗ lực hoàn thành những phần việc theo phương án đã được duyệt, phấn đấu khắc phục xong 16 điểm sạt lở trước tháng 8.
Thành Nhà Hồ nằm cách thành phố Thanh Hóa 45km, được xây dựng trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long. Nơi đây là điểm đến của du khách ưa khám phá mỗi khi về xứ Thanh.
Thành đá cổ này được Hồ Quý Ly cho xây dựng năm 1397, ban đầu lấy tên thành Tây Đô. Sau đó, vương triều Hồ thành lập và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới. Vì vậy, thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành Nhà Hồ.
Với những giá trị nổi bật về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới.
Minh Bảo
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/gia-co-16-doan-tuong-da-o-thanh-nha-ho-192250506142151267.htm