Trong hơn nửa thế kỷ, Chính phủ Nhật Bản áp dụng chính sách hạn chế diện tích trồng lúa nhằm giữ ổn định giá gạo cũng như khuyến khích nông dân gieo trồng ít hơn. Đối với người Nhật, gạo không chỉ là thực phẩm mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng.
Được trồng tại Nhật Bản suốt hơn 2.000 năm, gạo gắn liền với tín ngưỡng Thần đạo (Shinto) bản địa và trở thành một phần sâu sắc trong văn hóa, truyền thống của quốc gia này. Người Nhật đặc biệt tự hào về giống gạo hạt ngắn Japonica và luôn bảo vệ thị trường nội địa bằng các rào cản thương mại.
Chính vì thế, theo Reuters, khi giá gạo năm nay bất ngờ tăng vọt, biến mặt hàng thiết yếu thành món xa xỉ, người tiêu dùng không khỏi bức xúc còn các nhà hoạch định chính sách loay quay tìm cách giải quyết vấn đề này.
Trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 20/7, chính phủ Nhật Bản đã tung gạo dự trữ khẩn cấp ra thị trường, bán với giá khoảng 2.000 yen Nhật cho mỗi túi 5 kg nhằm xoa dịu cơn sốt giá.
Giá gạo tại siêu thị Nhật tăng mạnh trong năm qua, nhưng đang giảm dần nhờ nguồn cung từ kho dự trữ quốc gia. (Nguồn: Reuters)
Tờ Reuters nhận định động thái này là biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và ngăn người tiêu dùng quay lưng với gạo nội địa. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, suốt hơn nửa thế kỷ qua, Nhật Bản lại làm điều ngược lại, quốc gia này chi tiền trợ cấp để khuyến khích nông dân trồng cây khác thay vì lúa, nhằm tránh dư cung và giữ giá ổn định.
Hệ thống này đã phản tác dụng vào năm ngoái khi Bộ Nông nghiệp nước này dự báo sai nguồn cung do vụ mùa năm 2023 bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong tháng 8.
Giá gạo vì thế tăng vọt, khiến Nhật trở thành ngoại lệ trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu giảm.
Nhật Bản phải nhập khẩu gạo ồ ạt và khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tận dụng cơ hội để gia tăng sức ép, yêu cầu Nhật mua thêm gạo Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại song phương vốn chưa đạt được kết quả rõ ràng.
Trong khi sản lượng gạo toàn cầu và tại nhiều nước tăng mạnh từ 1961 đến 2023, Nhật Bản lại là ngoại lệ với mức tăng trưởng thấp nhất. (Nguồn: Reuters)
Với chính sách nông nghiệp vừa công bố, Nhật Bản đang có chiến lược đảo ngược chính sách, tìm cách nâng cao sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng vẫn giữ giá gạo ở mức tốt. Hướng đi mới của Nhật Bản trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi người dân nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng lương thực thiết yếu là gạo.
Chính sách mới dự kiến thực thi từ niên vụ 2027 với mục tiêu xuất khẩu 350.000 tấn gạo vào năm 2030, tăng gấp 8 lần so với 45.000 tấn năm ngoái. Đồng thời, phần gạo dự kiến dành cho xuất khẩu có thể được nhập khẩu trở lại nội địa tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ.
Với tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng, giá bán lẻ tăng vọt lên hơn 4.000 yen cho mỗi túi 5kg – gấp đôi năm ngoái. Giới trồng lúa thì kỳ vọng giá bán lẻ sẽ ổn định quanh mức 3.000–3.500 yen cho mỗi túi 5 kg, mức giá mà Thủ tướng Shigeru Ishiba đánh giá có thể chấp nhận được với đại đa số người tiêu dùng.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy giá trung bình tại siêu thị hiện vẫn ở mức 3.801 yen, cao hơn khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, dù đã giảm trong năm tuần liên tiếp.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cảnh báo mục tiêu xuất khẩu 350.000 tấn có vẻ phi thực tế, bởi gạo Nhật có giá quá cao so với mặt bằng quốc tế. Trong khi các loại gạo nhập khẩu từ Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam lại được ưa chuộng do giá mềm hơn.
Về phía chính phủ, Nhật Bản dự kiến hỗ trợ thông qua quỹ an sinh cho nông dân, đồng thời thúc đẩy sắp xếp lại phân khúc đất đai, áp dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất.
Anh Tuấn