Từ cao nguyên Pleiku đến biển miền Trung, vùng đất hợp nhất đang được kỳ vọng sẽ trở thành cực tăng trưởng mới với thế mạnh liên kết đa ngành và đa vùng.
Gia Lai mới là vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa
Bà Rơ Chăm H’Phít, Bí thư Đảng ủy xã Ia Khươl, cho biết người dân địa phương đón nhận sự kiện ra đời tỉnh mới với nhiều kỳ vọng. Từng là tỉnh rộng thứ 2 cả nước, rất giàu tiềm năng đất đai, nông nghiệp, nhưng việc thiếu kết nối với biển nên tỉnh khó bứt phá. Nay trở ngại lớn sẽ không còn, Gia Lai đã có biển nên tiềm năng của cao nguyên rộng lớn sẽ được phát huy.
“Sau sáp nhập, sự kết hợp giữa cao nguyên núi với diện tích đất nông nghiệp rất rộng sẽ kết hợp với biển thì tỉnh Gia Lai sẽ có sự liên kết chặt chẽ về logistic trong sản xuất nông sản, xuất khẩu nông sản, kinh tế biển…Tôi cho rằng sự kết hợp này sẽ mở hướng cho một Gia Lai một sự phát triển mới mẻ” - Bà Rơ Chăm H’Phít.
Cảng biển tại Quy Nhơn, Gia Lai đem lại tiềm năng lớn về nguồn lợi thủy sản và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Danh, một người dân gắn bó hơn 40 năm với Gia Lai, nhìn nhận việc hợp nhất là bước đi chiến lược. Gia Lai và Bình định sẽ hợp nhất tư duy, chiến lược... qua đó sẽ nhanh chóng tháo gỡ các trở ngại cho sự phát triển. Những thiết bị phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến trên cao nguyên Gia Lai, sẽ đi thẳng lên từ cảng biển của tỉnh qua cao tốc sẽ được xây dựng. Lượng lớn hàng hóa cùng xe thuận lợi xuôi dòng.
Ông Nguyễn Danh cho hay:“Khi hợp nhất Gia Lai sẽ cung cấp nguyên liệu, năng lượng chế biến và có thể xuất khẩu qua cảng biển, qua hai cảng hàng không hoặc là qua cửa khẩu với các nước Đông Dương tạo ra chuỗi giá trị khép kín về sản xuất, về chế biến, về xuất khẩu và đồng thời phát triển hệ thống logistic của tỉnh mới thông qua các trục Bắc – Nam thông qua trục quốc lộ 1 và trục Đông – Tây qua quốc lộ 19”
Theo thống kê, tỉnh Gia Lai mới có diện tích hơn 21.000 km², dân số gần 3,6 triệu người – nằm trong nhóm tỉnh có diện tích và dân số lớn nhất cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, để sớm phát huy các lợi thế, tiềm năng rừng- biển, tỉnh sẽ tập trung vào ba đột phá chiến lược: chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ hành chính sang kiến tạo, và lấy người dân – doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách.
“Tỉnh Gia Lai mới là kết tinh từ hai vùng đất có truyền thống, bề dày cách mạng vẻ vang, bản sắc văn hóa phong phú. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng nhau chung sức đồng lòng hành động quyết liệt đồng bộ hiệu quả vì một tương lai phát triển xứng tầm” - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đô thị hiện đại tại Quy Nhơn và bờ biển trải rộng thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển du lịch
Gia Lai mới được thành lập khi năm 2025 đã đi qua 6 tháng, mục tiêu tăng trưởng 80% cả năm là thách thức lớn. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai mới – Gia Lai vẫn kiên trì mục tiêu này, tạo đà để giai đoạn 2026–2031 đạt mức tăng trưởng hai con số. Và ông Dũng tin rằng, Gia Lai mới đủ quyết tâm và đủ nguồn lực để hoàn thành mục tiêu.
“Sau khi nhập tỉnh thì quy mô nền kinh tế của Gia Lai mới khoảng hơn 250 ngàn tỷ, có cả một vùng cao nguyên rộng lớn, 134km bờ biển, một vùng đồng bằng trù phú, hai sân bay, cảng biển, có đường sắt, đường bộ…Hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, vấn đề còn lại là làm sao nỗ lực phát huy những tiềm năng thế mạnh để phát triển tỉnh Gia Lai trở thành một cực tăng trưởng của khu vực” - ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai mới.
Từ những yếu tố nền tảng như độ mở về giao thông , như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ..., đến sự đa dạng của không gian địa lý – kinh tế: biển, đồng bằng, cao nguyên, tỉnh Gia Lai mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.
Hoàng Qui/VOV - Tây Nguyên