Sau đây là tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.
Mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại: Gỡ “treo” cho 343 dự án tại TP.HCM
Thông tin tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 2/4, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định quan trọng, giúp TP.HCM khơi thông được nguồn lực đất đai, giải quyết các dự án tồn đọng.
Đầu tiên là Nghị định số 75/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất sẽ tháo gỡ cho 343 dự án tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Theo đó, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, cấp phép cho tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, theo thống kê ban đầu, trên địa bàn Thành phố có 343 dự án nhà ở thương mại dưới 20 ha, nhưng không có đất ở.
“Nếu không có Nghị định thí điểm này, toàn bộ các dự án trên sẽ bị tắc. Doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện các bước chấp thuận chủ trương đầu tư và các bước điều chỉnh quy hoạch và triển khai dự án”, ông nói.
Theo ông Toàn Thắng, cơ chế thí điểm này có hiệu lực trong vòng 5 năm, đã mở ra một nguồn lực rất lớn để Thành phố tổ chức thực hiện các dự án nhà ở thương mại.
Chính sách quan trọng thứ hai là Nghị định số 76/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 170 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Đối với TP.HCM, có 3 dự án được tháo gỡ, gồm: Khu đất 30, 224 ha phường Bình Khánh, TP.Thủ Đức (tên thương mại The Water Bay), khu đất 30,106 ha Nam Rạch Chiếc (dự án Lakeview City) và dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn, quận 4 (tên thương mại The Tresor).
Ông Nguyễn Toàn Thắng đánh giá tất cả những dự án này đã có kết luận của thanh tra, kiểm tra và kể cả điều tra. “Nếu không có Nghị định này, chúng ta sẽ không tháo gỡ và giải quyết cấp sổ hồng cho người mua nhà”.
Sau khi áp dụng cho 3 dự án trên, nếu được mở rộng các đối tượng sẽ tháo gỡ rất nhiều dự án đã tồn đọng nhiều năm tại Thành phố.
Hà Nội phê duyệt hồ sơ mời đầu tư 2 khu nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 1877/QĐ-UBND về việc phê duyệt Hồ sơ mời quan tâm đối với Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1; và Quyết định số 1878/QĐ-UBND về việc phê duyệt Hồ sơ mời quan tâm đối với Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2. Hai dự án thuộc địa bàn xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Các khu nhà ở xã hội tại Đông Anh đang thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng.
Theo hai Quyết định trên, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng tổ chức dịch nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 và Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6618/QĐ-UBND ngày 24/12/2024 và nội dung Hồ sơ mời quan tâm Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt trên từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Xác định thời hạn nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án; Thực hiện đăng tải Thông báo mời quan tâm, Hồ sơ mời quan tâm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.
Tổ công tác được thành lập theo Quyết định của UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, trình, phê duyệt và công khai kết quả mời quan tâm; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Giao Sở Tài chính, Chi cục Thuế khu vực I phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện hai dự án này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã ký ban hành Quyết định số 1876/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác đánh giá Hồ sơ đăng ký thực hiện 2 Dự án đầu tư: Xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 và Xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Theo Quyết định, Tổ công tác do lãnh đạo Sở Xây dựng làm Tổ trưởng; các thành viên bao gồm lãnh đạo các Sở, ngành TP: Tài chính, Chi cục Thuế khu vực I.
Hà Nội ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, tối đa 198.000 đồng/m2/tháng
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 27/2025/QĐ-UBND về việc ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn TP.
Theo Quyết định, 3 đối tượng áp dụng là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ sở hữu nhà ở xã hội, ban quản trị nhà ở xã hội, đơn vị quản lý vận hành nhà ở xã hội; người thuê, sử dụng nhà ở xã hội và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Mức giá thuê nhà ở xã hội thấp nhất tại Hà Nội sẽ từ 48.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng. Ảnh: Thanh Vũ
Bên cạnh đó, các trường hợp không được áp dụng khung giá là nhà ở xã hội sử dụng làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước cho lực lượng vũ trang nhân dân (nếu có) và giữa các bên cho thuê và thuê nhà ở xã hội đã thống nhất về giá thuê.
Khung giá cho thuê nhà ở xã hội được quy định cụ thể như sau: Mức giá tối thiểu với nhà từ 10 tầng trở xuống là 48.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng; nhà từ 11 đến 20 tầng là 55.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng; nhà từ 21 đến 30 tầng là 75.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng; nhà trên 30 tầng là 99.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng.
Mức giá tối đa đối với nhà dưới 11 là 96.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng; nhà từ 11 đến 20 tầng là 110.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng; nhà từ 21 đến 30 tầng là 150.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng; nhà trên 30 tầng là 198.000 đồng/m2 sàn sử dụng/tháng.
Giao Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổ chức lập và trình UBND TP. Hà Nội ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn.
Sở Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá đối với khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư; chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành nhà ở xã hội (Bên cho thuê) thực hiện đúng quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý, vận hành theo pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan; xác định giá cho thuê nhà ở xã hội theo quy định pháp luật phù hợp khung giá. Tổ chức hạch toán thu, chi đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước và tổ chức quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng thuê giữa các bên.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14/4/2025.
Thị trường "nóng" lên, đấu giá đất Hà Nội thu về 6.860 tỷ đồng trong quý I/2025
Trong Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong quý I/2025, Thành phố thu được khoảng 6.860 tỷ đồng, đạt 34% chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá đất của cả năm.
Trước đó, chỉ tiêu thu tiền từ đấu giá đất trong năm 2024 là 25.105 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 11/2024, thành phố đã thu được 18.599 tỷ đồng, đạt 74,08% chỉ tiêu.
Trong tháng 3/2025, nhiều địa phương đã "bội thu" từ đấu giá đất. Ảnh: Phan Thiên
Các phiên đấu giá đất đang trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho các huyện vùng ven Hà Nội. Tại huyện Thanh Oai, chỉ cần 3 phiên đấu giá đất trong tháng 3/2025, địa phương này đã thu ngân sách khoảng 1.384 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng các khoản thu khác của huyện chỉ vỏn vẹn 187 tỷ đồng.
Như vậy, nếu các lô đất được nộp đủ tiền, tổng thu ngân sách của huyện Thanh Oai sẽ lên tới 1.571 tỷ đồng, đạt 93,2% so với chỉ tiêu mà TP. Hà Nội giao trong năm 2025. Trong đó, hoạt động đấu giá đất dự kiến đóng góp đến 88% tổng thu ngân sách.
Tương tự, nhiều địa phương khác cũng đang thu về cả trăm tỷ đồng chỉ trong một phiên đấu giá đất. Ví dụ tại huyện Quốc Oai, phiên đấu giá 26 lô đất vào ngày 28/3 đã mang về gần 200 tỷ đồng. Chỉ sau đó một ngày, huyện Sóc Sơn đã tổ chức đấu giá 33 lô đất và cũng “bội thu” với 289 tỷ đồng. Thậm chí, hai địa phương trên còn ghi nhận giá trúng lập đỉnh mới, tại Quốc Oai là 104 triệu đồng/m2, với Sóc Sơn là 120 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, hoạt động đấu giá đất vùng ven Hà Nội bắt đầu có tín hiệu đảo chiều và trở nên sôi động hơn từ đầu tháng 3/2025. Đây cũng là thời điểm những tin đồn về việc sáp nhập địa phương được các “cò đất” tận dụng để mời chào khách.
Theo chia sẻ của giới đầu tư, những “tin rỉ tai” này cũng là lý do chính khiến giá đất nền nói chung bật tăng trong thời gian qua. Bản thân các hội, nhóm đấu giá đất cũng đang liều mình “đánh cược” rằng giá đất sẽ tăng hậu sáp nhập.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử đầu tư - Baodautu.vn, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes cho biết, đợt tăng giá đất hiện tại chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Hiện nhiều nhà đầu tư đang rơi vào trạng thái FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) trước các thông tin về sáp nhập tỉnh, thành phố.
“Việc phát triển kinh tế, nâng cấp hạ tầng cần có thời gian. Thậm chí, nhà đầu tư sẽ phải chờ 3 - 5 năm mới có thể thấy những chuyển biến rõ rệt tại địa phương”, ông Lê Đình Chung nhận định.
Các huyện ven Hà Nội sẽ đấu giá ít nhất 255 lô đất trong tháng 4/2025
Vào ngày 3/4, huyện Mỹ Đức sẽ đấu giá 26 thửa đất tại các xã An Tiến, Vạn Tín, Hương Sơn, Lê Thanh, Phù Lưu Tế và thị trấn Đại Nghĩa.
Các thửa có diện tích từ 76 - 250 m2. Mức giá khởi điểm dao động từ 3,5 - 8,5 triệu đồng/m2. Mức tiền đặt cọc là 55,5 - 426,5 triệu đồng/lô.
Các phiên đấu giá đất đang "nóng" lên nhờ hiệu ứng sốt đất, trước các tin đồn về việc sáp nhập địa phương. Ảnh: Thanh Vũ
Cũng trong ngày 3/4, huyện Mỹ Đức đấu giá 21 thửa đất tại xã Mỹ Xuyên. Các lô đất có diện tích 78 - 137 m2. Mức giá khởi điểm là 4,9 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước từ 77,4 - 135,3 triệu đồng/lô. Cả hai phiên đấu giá trên đều diễn ra theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp một vòng.
Tiếp đó, vào ngày 5/4, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) sẽ đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 30 thửa đất tại khu Vàn Gợi - Đồng Quân, phường Viên Sơn.
Các lô đất có diện tích 89 - 139 m2. Giá bán khởi điểm là 16,6 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước từ 299,2 - 465,8 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu 5 vòng bắt buộc.
Tới ngày 10/4, huyện Mỹ Đức sẽ đấu giá 51 thửa đất tại xã Xuy Xá, Phúc Lâm. Diện tích từ 35,4 - 211,5 m2. Mức giá khởi điểm dao động từ 4,9 - 6,7 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ 47,9 - 208,1 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp một vòng. Hạn cuối nộp hồ sơ là ngày 4/4.
Cũng trong ngày 10/4, huyện Phúc Thọ sẽ đấu giá 6 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 1 thửa đất khu Đồng Cầu Lọc, xã Ngọc Tảo. Diện tích các thửa từ 86,2 - 181,5 m2.
Mức giá khởi điểm có hai mức là 8,9 triệu đồng/m2 đối với xã Trạch Mỹ Lộc và 10,6 triệu đồng/m2 đối với xã Ngọc Tảo. Số tiền đặt trước là 153,9 - 324,2 triệu đồng/lô. Phiên đấu giá diễn ra theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu 2 vòng, tối đa 3 vòng. Hạn chót nộp hồ sơ là 4/4.
Vẫn là ngày 10/4, huyện Ứng Hòa sẽ đấu giá 26 thửa đất tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu. Diện tích dao động từ 83,2 - 122,1 m2. Mức giá khởi điểm là 9,9 - 12,4 triệu đồng/m2. Số tiền đặt cọc là 164,7 - 302,3 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu một vòng, tối đa 2 vòng. Hạn cuối nộp hồ sơ là ngày 4/4.
Vào sáng ngày 11/4, huyện Ứng Hòa sẽ đấu giá 25 thửa đất tại thôn Yên Trường, xã Trường Thịnh. Diện tích các thửa dao động từ 93 - 141,2 m2. Mức giá khởi điểm theo đó là 9,9 - 12,4 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước từ 184 - 350 triệu đồng/lô. Hạn chót nộp hồ sơ là ngày 8/4.
Cũng tại khu vực trên, huyện sẽ đấu giá thêm 25 thửa đất vào chiều ngày 11/4. Diện tích từ 93 - 128,4 m2. Mức giá khởi điểm vẫn từ 9,9 - 12,4 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước là 184 - 290 triệu đồng/lô. Hạn nộp hồ sơ là ngày 8/4.
Hình thức đấu giá của cả hai phiên là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu một vòng bắt buộc và tối đa 2 vòng.
Kế đến ngày 13/4, huyện Quốc Oai sẽ đấu giá 15 thửa đất tại xã Sài Sơn. Các thửa đất có diện tích 99 - 118m2, với giá khởi điểm 10,7 triệu đồng/m2. Số tiền đặt cọc từ 215 - 255 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Hạn cuối nộp hồ sơ là ngày 9/4.
Vào ngày 19/4, huyện Mê Linh sẽ đấu giá 30 thửa đất tại xã Tiến Thắng. Diện tích từ 80 - 126,5 m2. Giá khởi điểm đồng loạt là 5,18 triệu đồng/m2. Số tiền đặt cọc từ 82 - 131 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu 5 vòng bắt buộc. Hạn chót nộp hồ sơ là ngày 16/4.
Quảng Ngãi đề xuất dừng chủ trương đầu tư dự án khu đô thị 3.800 tỷ
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đã gửi nội dung đăng ký trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) sắp đến.
Quảng Ngãi đề xuất dừng Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển khu đô thị mới đảo Ngọc.
Một trong những nội dung quan trọng UBND tỉnh Quảng Ngãi đăng ký trình HĐND tại kỳ họp thứ 33, đó là xin dừng chủ trương đầu tư dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển (gọi tắt dự án) khu đô thị mới đảo Ngọc (An Phú), TP.Quảng Ngãi.
Được biết, dự án khu đô thị mới đảo Ngọc được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương dự án đầu tư vào tháng 3/2023.
Việc thực hiện dự án, là cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, về phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển TP.Quảng Ngãi về phía Đông Bắc, theo hướng đô thị ven sông; cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 – 2026) của tỉnh Quảng Ngãi.
Nam Định: Hai nhà đầu tư được chấp thuận làm dự án Khu nhà ở xã hội quy mô 1.100 căn hộ
UBND tỉnh Nam Định vừa phê duyệt Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Nam Định, Công ty cổ phần Nhà Mỹ Xuân Hà Nội là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội Bãi Viên tại phường Mỹ Xá, TP. Nam Định.
Dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 909,209 tỷ đồng, trên diện tích 30.023 m², bao gồm 6 tòa nhà cao 9 tầng với 1.100 căn hộ. Các căn hộ được thiết kế linh hoạt, với diện tích từ 25m² đến 70m², hướng đến đối tượng người dân có thu nhập thấp như công nhân, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…
Phối cảnh dự án Khu nhà ở xã hội Bãi Viên, TP. Nam Định
Đặc biệt, khu nhà ở sẽ được xây dựng với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bao gồm không gian xanh, khu vui chơi, bãi đỗ xe, và các đường nội bộ, tạo môi trường sống lý tưởng cho cư dân.
Với mục tiêu giải quyết vấn đề nhà ở cho những đối tượng có thu nhập thấp, dự án Bãi Viên sẽ giúp tạo ra quỹ nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu an cư của các cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và lực lượng vũ trang. Đồng thời, dự án cũng góp phần vào sự phát triển bền vững của TP. Nam Định, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn, với kỳ vọng hoàn thành vào năm 2030. Giai đoạn đầu đưa vào sử dụng 324 căn hộ trong năm 2026, giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết của nhiều đối tượng cư dân.
Đà Nẵng sẽ hoàn thành hơn 1.800 căn nhà ở xã hội trong năm 2025
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, theo Quyết định số 444/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu thành phố Đà Nẵng hoàn thành 1.500 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2025.
Để thực hiện chỉ tiêu Chính phủ giao, Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án - Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật thực hiện công tác hoàn thiện, hoàn thành 2 dự án là Chung cư xã hội tại đường Vũ Mộng Nguyên và 2 khu ký túc xá sinh viên tập trung tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh, với tổng 937 căn.
Thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành chung cư xã hội tại đường Vũ Mộng Nguyên.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc Liên danh Công ty Cổ phần Đức Mạnh - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành 2 dự án Chung cư cho người có thu nhập thấp tại Khu tái định cư Đại Địa Bảo - C và Chung cư cho người thu nhập thấp An Trung 2 - khối A, B với tổng cộng 870 căn hộ, sẽ hoàn thành trong Quý IV/2025.
Với những dự án trên, dự kiến trong năm 2025, Thành phố Đà Nẵng sẽ hoàn thành 1.807 căn hộ nhà ở xã hội, đảm bảo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng trong năm 2025 là 1.500 căn hộ.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho biết, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn chủ đầu tư đối với nhiều dự án nhà ở xã hội khác.
Cụ thể, 2 dự án Nhà ở xã hội tại Khu đất chung cư số 3 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ và Nhà ở xã hội tại Khu đất chung cư số 5 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, đang thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với dự án Nhà ở xã hội tại khu đất số 10 Trịnh Công Sơn, Sở Tài chính cũng đã thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, đang trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, đối với 4 dự án Nhà ở xã hội tại khu đất khu chung cư Hòa Minh; Nhà ở xã hội tại lô đất A1-7 đường Chu Huy Mân (phường Nại Hiên Đông); Nhà ở xã hội tại khu đất A2-4, đường Ngũ Hành Sơn và đường dẫn lên cầu Tuyên Sơn; Nhà ở xã hội tại lô đất B3 thuộc Khu E (Giai đoạn 1) - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư…
Thanh Vũ