Giá vàng nhẫn tăng mạnh - chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng thời điểm mua vào

Giá vàng nhẫn tăng mạnh - chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng thời điểm mua vào
4 giờ trướcBài gốc
Giá vàng nhẫn vẫn đang tăng mạnh. Ảnh tư liệu
Trong phiên thứ Hai (30/9), giá vàng thế giới đã giảm nhẹ nhưng vẫn neo ở mức cao, hiện đang giao dịch quanh mức 2.654 USD/ounce do áp lực chốt lời sau khi vàng liên tục xác lập đỉnh cao mới. Tính chung, vàng vẫn tăng 1,43% trong 1 tuần.
Giá vàng thế giới tăng lan tỏa sức nóng đến nhiều nơi. Tại Việt Nam, dù giá vàng miếng SJC niêm yết tại các tổ chức “bất động” từ hôm 24/9 nhưng vàng nhẫn vẫn tăng nóng. Giá bán ra đối với sản phẩm vàng nhẫn ngày càng tiệm cận vàng miếng SJC. Còn ở chiều mua vào, nhiều hãng vàng đã sớm nâng giá thu mua vàng nhẫn vượt xa.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), vàng miếng SJC tiếp tục đi ngang ở mức 81,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Doanh nghiệp này thu mua vàng nhẫn ở mức 81,5 triệu đồng/lượng, ngang ngửa giá mua vào đối với vàng miếng SJC; trong khi bán ra tại mức 83 triệu đồng/lượng.
Trong khi, ở nhiều hãng vàng khác, chênh lệch mua - bán đã thu hẹp đáng kể. Tại DOJI, giá vàng nhẫn được công bố ở mức 82,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Bảo Tín Minh Châu cũng công bố giá thu mua ở mức 82,54 triệu đồng/lượng. Chỉ trong vỏn vẹn một tuần, giá vàng đã tăng khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, giá bán ra vàng nhẫn tròn chỉ kém vàng miếng SJC 50.000 đồng/lượng. Trong khi giá mua vào đã vượt, cao hơn 54.000 đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng nhẫn tròn và vàng miếng SJC thấp nhất từ trước tới nay.
Diễn biến mới trên thị trường vàng những ngày gần đây đó là giá tăng, nhưng song hành với đó lực mua cũng tăng.
Một số nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, dù giá vàng nhẫn tăng cao nhưng nhiều người vẫn chưa thể mua được.
Các chuyên gia nhận định tình trạng khan hiếm vàng nhẫn đã diễn ra trên thị trường vài tháng qua do hạn chế nguồn cung nguyên liệu. Các công ty vàng cũng thận trọng vì hiện nay cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thanh kiểm tra thị trường vàng, trong đó có truy nguồn gốc vàng nguyên liệu. Thêm vào đó, từ hơn 10 năm qua Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho các công ty nhập vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch để sản xuất vàng nhẫn, trang sức.
So với đầu năm, giá vàng nhẫn tăng khoảng 19,2 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng gần 30%, ghi nhận mức sinh lời vượt trội so với nhiều kênh đầu tư khác. Hiệu suất sinh lời của vàng miếng thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 9%.
Các chuyên gia cho biết trong bối cảnh giá vàng nhẫn đang cao kỷ lục, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu có nhu cầu tích trữ vàng trong ngắn hạn hoặc cần bảo toàn giá trị tài sản, vàng nhẫn có thể là lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu mục tiêu là đầu tư sinh lời, cần thận trọng vì mức giá hiện tại đã ở ngưỡng cao và chịu áp lực điều chỉnh lớn.
Thay vì dồn toàn bộ nguồn vốn vào vàng, nhà đầu tư nên cân nhắc đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hay các sản phẩm tài chính có thể mang lại lợi nhuận cao hơn và giảm thiểu rủi ro so với việc chỉ tập trung vào vàng trong giai đoạn này.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm hiện giá vàng thế giới đã tăng khoảng 30% có thể là gần đạt đỉnh và sẽ có một đợt điều chỉnh giảm trước khi tăng tiếp. Vì vậy nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng giá vàng sẽ tăng thẳng đứng và quan trọng mức tăng năm 2025 sẽ rất khó đạt 30% như năm nay. Trung bình mỗi năm, mức tăng trung bình của giá vàng chỉ khoảng 5%-10%.
Do vậy, việc đầu tư vàng hiện nay cần xem xét kỹ, vì rủi ro đang cao. Với thị trường vàng trong nước bức tranh cũng tương tự. Khi giá vàng thế giới điều chỉnh, giá vàng trong nước cũng sẽ giảm theo. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 4-5 triệu đồng nên áp lực giảm theo khi vàng thế giới lao dốc là hợp lý. Chưa kể, giá vàng nhẫn tăng nóng khi nhà đầu tư sốt ruột muốn mua vào chờ giá tăng tiếp, vô hình chung tạo giá ảo và rủi ro.
“Theo tôi, người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người nào đã mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn. Mua vàng trong nước lúc này rất dễ "đu đỉnh" nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn. Còn nếu bán chốt lời xong mà giá vẫn tăng tiếp cũng không tiếc vì lợi nhuận vàng nhẫn từ đầu năm tới nay 25%-30% là mức hấp dẫn,” chuyên gia vàng Trần Duy Phương - Nhà sáng lập Diễn đàn Vàng Sài Gòn khuyến cáo.
Còn tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng trong nước có 2 phân khúc vàng là vàng miếng và vàng nhẫn. Vàng miếng bị đặt vào diện bình ổn, giảm từ mức 92 triệu đồng/lượng xuống còn 82 triệu đồng/lượng, nhưng nguồn cung hạn chế, vì thế thị trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, vàng nhẫn không bị đặt vào vòng bình ổn, nên còn được vận hành theo cung cầu, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng nhẫn cũng tăng theo, và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.
“Nếu giá vàng miếng vẫn còn bị kiểm soát, giá vàng nhẫn sẽ tăng mạnh trong năm nay và sang năm 2025. Nhưng nếu vàng nhẫn nóng sốt như đã xảy ra với vàng miếng, có thể sẽ bị kiểm soát và sẽ được điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư vàng nên hết sức cẩn trọng, thị trường vàng sẽ còn điều chỉnh. Sau khi cơn sốt vàng qua đi, các nhà quản lý nên để thị trường vàng vận hành theo cung cầu ở cả vàng miếng và vàng nhẫn. Ngân hàng Nhà nước chỉ nên đưa ra chính sách về thị trường vàng, thay vì can thiệp trực tiếp vào giá”- ông Hiếu phân tích./.
Theo TTXVN
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-vang-nhan-tang-manh-chuyen-gia-khuyen-cao-nha-dau-tu-nen-than-trong-thoi-diem-mua-vao-160668.html