'Giải mã' thêm về hiện tượng 'Toàn thân xá lợi' của hai vị Thiền sư chùa Đậu

'Giải mã' thêm về hiện tượng 'Toàn thân xá lợi' của hai vị Thiền sư chùa Đậu
5 giờ trướcBài gốc
Hội thảo do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với chùa Đậu (Thành Đạo tự) tổ chức, với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu cùng các Hòa thượng, chư tăng, nhà tu hành.
Hội thảo khoa học chùa Đậu với sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Ảnh: VH.
Chùa Đậu - ngôi chùa nổi tiếng nằm ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội là nơi thờ Pháp Vũ (thần mưa) một trong hệ thống thờ tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của người Việt cổ; cũng là nơi là nơi có hai tượng Nhục thân (xá lợi toàn thân) của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường– thế kỷ XVII.
Trải qua gần 400 năm thăng trầm lịch sử, toàn thân xá lợi của hai Ngài vẫn tồn tại với thời gian, là bảo vật quý của chùa Đậu cũng là Bảo vật của quốc gia.
Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về chùa Đậu cả về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc; về hai thiền sư họ Vũ với thân thế, hành trạng, thời đại, lối tu tập, kỹ thuật bảo quản nhục thân…
Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề kỹ thuật xác định cấu trúc và kỹ thuật bảo quản Nhục thân, mà chưa có nhiều những chuyên khảo đề cập đến hành trạng, phương pháp – pháp môn tu tập của hai thiền sư họ Vũ.
Không gian xanh mát ở Chùa Đậu. Ảnh: MT.
Tại hội thảo lần này, các nhà khoa học, các giáo sư, Thượng tọa đã phân tích các nguồn tư liệu Phật giáo, tham chiếu với các công trình nghiên cứu “nhục thân bất hoại” tương tự ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực không chỉ làm nổi bật các giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa tâm linh của chùa Đậu, mà còn kiến giải, luận giải về Xá lợi toàn thân của hai vị thiền sư đang được thờ trong nhà Tổ ở môi trường tự nhiên; đồng thời gợi mở khả năng ứng dụng thiền vào đời sống hiện đại nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Hội thảo làm rõ những giá trị lịch sử văn hóa của Chùa Đậu trong dòng chảy lịch sử văn hóa Phật giáo nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng là dịp để cộng đồng học thuật, Phật tử và nhân dân cùng nhìn lại những giá trị to lớn của di sản chùa Đậu, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển văn hóa-du lịch bền vững.
“Hội thảo đã đạt chất lượng khoa học cao với những thông tin mới, kiến giải, luận giải khoa học mới để mọi người hiểu sâu sắc hơn câu chuyện về hai vị thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh”, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.
GS. Giang cũng cho rằng, chùa Đậu là ngôi chùa cổ kính, danh tiếng đã nức tiếng xa gần, tuy nhiên, để trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn rất cần tăng tính thiêng, tức là phải tạo không gian thiêng cho các bảo vật quốc gia - Nhục thân của hai vị Thiền sư mà cho đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích hết được về sự nhiệm màu ấy.
Toàn thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Trường.
Toàn thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Minh. Nguồn ảnh: Bích Hằng/Vietnam+
Sau hơn 4 tiếng làm việc với tính học thuật cao, hội thảo đã thành công tốt đẹp với rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận. GS, TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, đã có rất nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về chùa Đậu, về hai vị Thiền sư, tuy nhiên hội lần này có quy mô rất lớn với 37 tham luận của các đại đức, thượng tọa và nhiều chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực.
Các tham luận với những cách tiếp cận chuyên sâu, đa ngành đã giúp chúng ta có thêm những nhận thức sâu sắc và toàn diện về di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc.
Từ các phân tích, luận giải, kiến giải, GS. TS Nguyễn Văn Kim cho biết, các ý kiến thống nhất đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý văn hóa cần gia tăng các biện pháp bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa quý báu – Nhục thân của hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
“Có người đề xuất 5 năm nên khảo sát và đánh giá tổng thể về Nhục thân của hai vị. Nhưng tôi nghĩ trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra vô cùng mạnh mẽ như hiện nay thì có thể khoảng 3-5 năm nên có một cuộc khảo sát, đánh giá tổng thể”, ông Kim nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, ý kiến của GS Vũ Minh Giang rất đúng, cùng với các biện pháp, kỹ thuật để bảo tồn tốt nhất, hoàn hảo nhất Nhục thân của hai vị Thiền sư, chúng ta cần gia tăng hơn nữa tính thiêng như những giá trị thực tế trong quần thể di sản văn hóa của Thành Đạo tự.
“Nhục thân của hai vị Thiền sư đến nay được công nhận là Bảo vật quốc gia, không gian chùa Đậu cũng được công nhận là Di tích quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp tục xây dựng hồ sơ về những tấm bia ký có giá trị đặc biệt gắn với quá trình phát triển của Hành Đạo tự, tiến tới xây dựng hồ sơ Di sản tư liệu, bổ sung và làm giàu thêm giá trị văn hóa của Chùa Đậu”, GS Kim nhấn mạnh.
Việt Nam hiện có 4 nhục thân của 4 vị thiền sư nằm tại 3 ngôi chùa nổi tiếng. Trong đó, Thiền sư Tự Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh); Thiền sư Tự Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường) ở chùa Đậu (Thường Tín – Hà Nội); Thiền sư Như Trí, chùa Tiêu; Thiền sư Chuyết Chuyết, chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
Việt Hà
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/giai-ma-them-ve-hien-tuong-toan-than-xa-loi-cua-hai-vi-thien-su-chua-dau-10304069.html